Xây dựng Hòa Bình muốn hoán đổi gần 1.300 tỷ đồng tiền nợ sang cổ phiếu

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình muốn phát hành tối đa 107 triệu cổ phiếu để hoán đổi 1.284 tỷ đồng nợ từ nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất...

Xây dựng Hòa Bình muốn hoán đổi hơn 1.200 tỷ đồng từ nợ sang cổ phiếu
Xây dựng Hòa Bình muốn hoán đổi hơn 1.200 tỷ đồng từ nợ sang cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức trực tuyến vào ngày 26/8.

Theo tài liệu, Hội đồng quản trị sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tổng khối lượng tối đa là 274 triệu cổ phiếu theo 3 hình thức: phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ, chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 và đợt 2.

Về phát hành riêng lẻ, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ của công ty. Phương án này nhằm hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất như kế hoạch, Xây dựng Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ. Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.

Giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.

Về chào bán cổ phiếu, Xây dựng Hòa Bình dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với tối đa 120 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 17% so với mức kết phiên ngày 4/8 (10.250 đồng/cổ phiếu). Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất, công ty sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng từ thương vụ này, dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.

Đồng thời, Xây dựng Hoà Bình dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 47 triệu cổ phiếu trong đợt 2. Giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 564 tỷ đồng. Số tiền thu được này dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Thời gian dự kiến phát hành sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất 6 tháng.

Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi lên mức hơn 5.481 tỷ đồng.

Tại Báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải cho biết tính đến ngày 30/6 đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng. Trước đó, Xây dựng Hòa Bình cũng từng bị nhiều nhà thầu phụ yêu cầu thanh toán công nợ do thời gian kéo dài.

Ông Lê Viết Hải từng thừa nhận trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng.

Mới đây, Xây dựng Hòa Bình còn nhận chuyển nhượng bất động sản ở Đà Nẵng, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu từ một số chủ đầu tư.

Về tình hình kinh doanh, sau một năm lỗ đậm nhất lịch sử hoạt động (lỗ hơn 2.570 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 với nhiều khởi sắc.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 2/2023 đạt gần 2.300 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng, gấp 12 lần nhờ phần lợi nhuận khác tăng đột biến. Công ty ghi nhận 653 tỷ đồng lợi nhuận khác, chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ.

Thanh lý tài sản là một trong các biện pháp đã được Tập đoàn Hòa Bình công bố thực hiện để cứu vãn tình hình hoạt động của công ty sau năm 2022 thua lỗ. Trong kế hoạch, tập đoàn dự kiến thu được hơn 1.064 tỷ đồng từ việc thanh lý các tài sản máy móc thiết bị theo các hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký vào 28/6/2023.

Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu; tái cấu trúc và gia hạn thời hạn thanh toán các khoản nợ vay để cải thiện dòng tiền, có đủ nguồn vốn hoạt động trong năm 2023.

Lũy kế nửa đầu năm, Hòa Bình đạt doanh thu thuần 3.492 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 51% thì lợi nhuận tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, Hòa Bình đã có một khoản góp vốn hơn 193 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân. Đơn vị này sở hữu dự án 127 An Dương Vương, Quận 6, TP.HCM với diện tích hơn 1,5ha, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó gần 6.300 m2 là đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước 218 tỷ đồng.

Dự án tiềm năng này dự kiến sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Hòa Bình, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải. Việc đầu tư vào dự án cũng là một trong nhiều biện pháp mà Hòa Bình vạch ra để tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-07 lúc 14.15.11.png
Diễn biến cổ phiếu HCB trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu HCB đang ghi nhận quanh mức 10.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường này đạt mức 2.878 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…