Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.
Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Đến tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Bộ Xây dựng.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Tại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án.
Đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Dù đã có những chỉ đạo và kết quả cụ thể, nhưng việc phát triển, xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại tọa đàm "Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, hiện nay, nước ta có khoảng 400 khu công nghiệp, trong đó có 204 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 27 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và có 1,2 triệu người lao động trong số đó có nhu cầu mua nhà ở để an cư lạc nghiệp.
Ông Nghĩa cho rằng, qua quá trình làm việc, thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn còn có 3 khó khăn chính. Thứ nhất, thủ tục mua còn rườm rà, gây khó khăn cho đối tượng mua nhà.
Thứ hai, thủ tục đầu tư cũng vướng mắc nhiều, đặc biệt nhất là khâu xây dựng nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải thành lập các khâu đánh giá, rồi mới có quyết định miễn tiền sử dụng đất.
"Thời gian xác định tiền miễn sử dụng đất này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Từ đó, ảnh hưởng đến thời gian xây dựng dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan", đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay.
Thứ ba, các khu quy hoạch nhà ở xã hội, đại đa số chỉ có 5 tầng, nhưng phần lớn nhà đầu tư đều muốn xây dựng cao hơn, như vậy, sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi và mất thêm thời gian kéo dài dự án. Do vậy, ông Nghĩa đề xuất, luật nên để quy hoạch mở.
Để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.