Xử lý nghiêm dự án treo, không để đất đai “nằm chờ”, lãng phí tài nguyên

"Dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn".

Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh “một số nội dung nổi bật nhất, có ý nghĩa nhất trong năm vừa qua”.

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, trong năm qua, tổng thu ngân sách từ đất đai đạt trên 172.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách. 

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất, giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo, một số dự án sử dụng sai mục đích.

Dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được. 

"Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ.

Đồng thời chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất,... hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. 

Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trước mắt trong năm 2022, Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc.

"Đến 2030 chúng ta phải đầu tư xây dựng để đạt 5.000 km cao tốc trong khi đến nay, chúng ta mới hoàn thành 1.200 km cao tốc. Như vậy, để có được gần 4.000 km cao tốc nữa thì việc quy hoạch vật liệu xây dựng phục các dự án này có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò trực tiếp quản lý tài nguyên khoáng sản", Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Để bảo đảm phát triển bền vững, cùng với việc định hướng, lựa chọn công nghệ hiện đại trong phát triển các ngành kinh tế trong giai đoạn tới, ngành tài nguyên và môi trường phải thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Để thực hiện nhiệm vụ này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và phải có biện pháp để kiểm soát xả thải. Trên thực tế, nhiều nhà máy có công nghệ hoàn toàn kiểm soát được khí thải, chất thải, xả thải, nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát, thì các nhà máy này rất dễ vi phạm nhằm tiết kiệm chi phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa mục tiêu này", ông chỉ ra.

Có thể bạn quan tâm