Chứng khoán ngày 29/2, sau phiên giao dịch tăng điểm mạnh, VN-Index đầu phiên hôm nay tiếp tục tăng giá lên vùng 1.265 điểm và bắt đầu chịu áp lực bán giá cao, điều chỉnh về quanh 1.240 điểm kiểm tra lại giá cao nhất ngày 23/2/2024. Lực cầu ngắn hạn vẫn gia tăng tốt giúp VN-Index hồi phục trở lại và kết phiên tại 1.252,73 điểm, giảm 1,82 điểm (-0,15%) so với phiên trước.
HNX-Index tích cực hơn tăng 0,29 điểm (0,12%) lên mức 235,46 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn khi có 348 mã giảm giá (3 mã giảm sàn), 279 mã tăng giá (12 mã tăng trần) và 174 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng 15% so với phiên trước với 28.223,49 tỷ đồng được giao dịch, vượt mức trung bình. Trong đó khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển tốt giữa các nhóm ngành khác nhau trong thị trường, tuy nhiên khả năng sinh lợi ngắn hạn bắt đầu suy giảm khi nhiều mã với các vị thế mua ở vùng giá cao bắt đầu chịu rủi ro thua lỗ nhẹ, chịu áp lực bán gia tăng.
Khối ngoại gia tăng giao dịch, bán ròng khá mạnh trở lại trên HOSE với giá trị 386,75 tỷ đồng, trong đó bán ròng khá đột biến ở cổ phiếu VRE, VHM; tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 38,66 tỷ đồng.
Thị trường giao dịch luân chuyển, xoay vòng trong nhóm VN30 khi các cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng chưa tăng giá nhiều tăng trong phiên hôm nay như MSN (+3,00%), MWG (+1,99%), SAB (+1,39%) bên cạnh SSI (+2,49%) tăng tốt nhờ lực cầu từ khối ngoại. Trong khi đó VRE (-4,68%), VHM (-2,25%), BID (-1,67%), VIC (-1,32%)... chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh.
Thị trường phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu trong các ngành khi chỉ có một số mã vẫn giao dịch tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh trong khi các mã khác lại chịu áp lực điều chỉnh nhẹ.
Cụ thể như bất động sản với KDH (+6,94%), NLG (+3,66%), DXG (+1,11%), bán lẻ với FRT (+6,4%), MWG (+1,99%), thủy sản với VHC (+2,94%), ASM (+2,7%), ANV (+1,76%), chứng khoán với FTS (+6,94%)-vượt đỉnh giá lịch sử tháng 11/2021, BVS (+4,17%), CSI (+3,28%), VDS (+3,06%), SSI (+2,49%).
Các nhóm ngành khác đa số chịu áp lực điều chỉnh, phân hóa mạnh, các mã tích cực chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, có tỉ lệ cổ phiếu tự do tương đối thấp nổi bật như VTP (+4,5%), BMP (+3,1%), CTR (+2,4%), SIP (+1,20%)...
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng sớm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Tín hiệu đảo chiều xuất hiện với sự chững lại của lực cầu khi chớm vượt mức đỉnh ngắn hạn đã hình thành một bẫy tăng giá điển hình, đi kèm cùng thanh khoản tăng, báo hiệu khả năng bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Mặc dù nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực rung lắc quanh ngưỡng 1.250 (+/-5) điểm, lực cầu được kỳ vọng sẽ cho phản ứng gia tăng trở lại quanh các vùng hỗ trợ gần.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng sớm, chỉ trải lệnh mua từng phần khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ, đặc biệt là các điểm đỡ tương ứng với vùng quanh 1.180 (+/-10) điểm.
Sự rung lắc là thời điểm để mở vị thế mua thăm dò
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm chú ý trong phiên hôm nay là thanh khoản duy trì ở mức cao, vượt ba phiên tăng điểm trước đó, cộng với lực bán có chiều hướng gia tăng khiến chỉ số đảo chiều cho thấy ở vùng này tâm lý chốt lời của nhà đầu tư khá lớn.
Mặc dù vậy, tín hiệu đảo chiều chưa rõ ràng, xu hướng tích cực của ba phiên trước chưa bị gãy. Hơn nữa, hôm nay kết thúc tháng, trên biểu đồ tháng vẫn đang cho thấy tín hiệu rất tích cực với 4 tháng tăng điểm liên tiếp.
Vì vậy, sự rung lắc của thị trường là thời điểm để chúng ta mở vị thế mua thăm dò ở những mã cổ phiếu đã bứt phá từ nền tích lũy khi thị trường chung điều chỉnh.
Ưu tiên nhóm ngành ngân hàng
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chỉ số VN-Index trái ngược với các phiên tăng điểm mạnh trước đó, ghi nhận điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên hôm nay. Đà tăng mặc dù vẫn xuất hiện lúc đầu ngày nhưng áp lực chốt lời giá cao đã khiến chỉ số không thể duy trì và giảm điểm về cuối phiên.
Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn duy trì đà tăng giá. Nhà đầu tư có thể nhân nhịp điều chỉnh hiện tại để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nên ưu tiên nhóm ngành ngân hàng – nhóm ngành dẫn dắt chính hiện tại.
Chỉ nên mua mới ở tỷ trọng thấp
Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới, nhưng để hạn chế rủi ro thì các nhà đầu tư chỉ nên mua mới ở tỷ trọng thấp.
Tiếp tục giằng co
Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Trong phiên ngày mai, khả năng duy trì sức mạnh của thị trường sẽ phụ thuộc vào sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu lớn. TPS vẫn bảo lưu quan điểm đã đưa ra trong bản tin ngày hôm qua là khả năng đi lên trong trung hạn của chỉ số VN-Index vẫn khá chắc chắn.
Tuy nhiên, sự giằng co giữa bên mua và bên bán có thể tiếp tục xuất hiện tại vùng 1.250 – 1.260 điểm. Nếu không vượt qua vùng này, khả năng chỉ số sẽ có nhịp điều chỉnh về vùng 1.230 – 1.235 điểm.
Giằng co và thăm dò
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường đang có diễn biến tranh chấp sau 3 phiên tăng điểm và vượt ngưỡng 1.250 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung chốt lời gia tăng khi thị trường tăng nhanh, tuy nhiên dòng tiền vẫn còn động lực hỗ trợ khi thị trường lùi bước. Mặc dù thị trường chịu áp lực chốt lời khá lớn nhưng nhìn chung thị trường đang trong giai đoạn kiểm tra lại vùng 1.250 điểm sau khi bứt phá qua vùng này.
Diễn biến giằng co và thăm dò có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần tăng trở lại nhờ tín hiệu tăng vượt cản trước đó. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ hoặc mua tích lũy, tuy nhiên cũng nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời các cổ phiếu đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.