Chứng khoán ngày 19/4, VN-Index phục hồi tăng điểm nhẹ 0,03%, kết phiên ở mức 1.049,25 điểm với thanh khoản giảm mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn tháng 04/2023. Độ rộng trên HOSE khá cân bằng với 179 mã tăng điểm (08 mã tăng trần), 176 mã giảm điểm (0 mã giảm sàn) và 72 mã giữ giá tham chiếu. HNX-INDEX tích cực hơn tăng 0,76 điểm (0,37%) lên mức 206,61 điểm, độ rộng tích cực với 94 mã tăng giá (14 mã tăng trần), 82 mã giảm giá (10 mã giảm sàn) và 53 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 7.689,6 tỉ đồng, giảm mạnh 27,8% so với phiên trước. Trong đó thanh khoản và khối lượng giao dịch trên HOSE thấp nhất trong đầu năm trở lại đây. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ với giá trị 52,98 tỉ đồng. Bán ròng nhẹ trên HNX với giá trị 0,47 tỉ đồng.
Thị trường phân hóa mạnh trong phiên giao dịch, vẫn có nhiều nhóm ngành nổi bật như nhóm thủy sản với thanh khoản trên mức trung bình như VHC (+3,17%), ANV (+2,50%), FMC (+1,05%)... Nhóm cổ phiếu chăn nuôi cũng có diễn biến tích cực nhờ giá lơn hơi có xu hướng phục hồi với DBC (+0,96%), BAF (+0,96)..., nhóm xuất khẩu lương thực cũng tăng mạnh và đang đi vào vùng quá mua ngắn hạn như TAR (+7,35%), LTG (+2,67%)...
Nhóm cổ phiếu dệt may cũng có diễn biến tích cực vượt trội đối với thị trường chung với khối lượng giao dịch đột biến mạnh như GIl (+6,97%), TNG (+5,11%), VGT (+3,60%), MSH (+2,98%), STK (+2,17%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bán lẽ chịu áp lực bán ngắn hạn sau nhiều phiên phục hồi tăng điểm với thanh khoản ở mức thấp như DGW (-2,24%), PET (+1,96%), FRT (-1,33%).... Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, với nhóm vận tải dầu khí nhiều mã chịu áp lực bán mạnh rất đột biến như VTO (-6,84%), VIP (-3,51%), BSR (-1,23%), PVS (-1,17%), PVC (-0,65).....
Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng ngoài CTD tăng giá 0,57% thì đa phần đều chịu áp lực giảm điểm, tích lũy kéo dài, một số mã bị bán mạnh như VLB (-9,64%), HBC (-2,29%), LCG (-1,63%), KSB (-1,36%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa trái chiều, đa số phục hồi và điều chỉnh với thanh khoản suy giảm như NDN (+9,59%), NTL (+6,86%), NBB (+1,57%)... NVL (-1,03%), SCR (-0,99%), DXG (-0,79%), CII (-0,34%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau áp lực điều chỉnh phục hồi nhẹ với thanh khoản thấp LPB (+1,09%), HDB (+0,79%), STB (+0,78%)... ngoài ra PGB (-11,68%) giảm sâu với khối lượng giao dịch đột biến sau giai đoạn tăng giá mạnh đột biến
Các mã trụ bắt đầu ngưng giảm điểm
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày 20/4, VN-Index kết phiên với mẫu nến doji đi kèm thanh khoản ở mức thấp nhất trong tháng, cho thấy tín hiệu cạn kiệt thanh khoản. Đà giảm của phiên hôm nay vẫn tập trung nhiều tại nhóm cổ phiếu trụ trong rổ VN30 nhưng các cổ phiếu dẫn dắt giảm điểm đều đã có tín hiệu ngưng đà giảm tại vùng hỗ trợ ngắn giống như hai phiên giao dịch trước đó.
Chỉ số vẫn duy trì được vùng hỗ trợ là kênh tăng giá kéo dài từ tháng 11 và đi kèm với tín hiệu cạn kiệt thanh khoản như phiên hôm nay, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ sớm có nhịp hồi phục trở lại. Vùng kháng cự cho nhịp hồi phục dự báo sẽ ở quanh vùng cân bằng giai đoạn trước đó quanh ngưỡng 1.060 – 1.065 điểm.
Nếu hồi phục thành công, xu hướng tăng giá trong ngắn hạn dự báo sẽ quay trở lại. Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày mai, chỉ số có nhiều khả năng sẽ bắt đầu nhịp hồi phục trở lại khi các mã trụ tạo áp lực giảm đều đã có tín hiệu ngưng giảm điểm.
Có thể quay lại khu vực điểm giao cắt với MA20 quanh 1.060
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, chứng khoán ngày 20/4, VN-Index kết phiên hình thành nến spinning top thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư sau phiên giảm điểm.Xét về khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI đã hình thành đáy 2 cho tín hiệu phân kỳ dương báo hiệu tín hiệu phục hồi của thị trường.
Nếu lực cầu gia tăng tốt trở lại, VN-Index hoàn toàn có thể quay lại khu vực điểm giao cắt với MA20 quanh 1.060 ngay trong các phiên tới. Khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc giải ngân lướt sóng với những cổ phiếu có diễn biến điều chỉnh, tích lũy tốt thuộc ngành chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.
Tập trung vào cổ phiếu thay thì tham chiếu chỉ số
Chứng khoán MB (MBS)
Chứng khoán ngày 20/4, nhịp nảy quá ngắn của thị trường không đủ hấp dẫn dòng tiền, dù độ rộng phiên này vẫn ở mức cân bằng. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang đi ngang ở vùng 1.050 điểm sang phiên thứ 4 liên tiếp với thanh khoản giảm dần, khả năng chỉ số này điều chỉnh xuống phía dưới có xác suất cao hơn là hồi phục khi vẫn nằm dưới các ngưỡng cản quan trọng ở: 1,052; 1,055; 1,058 điểm.
Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, co gọn danh mục và tập trung vào cổ phiếu thay thì tham chiếu chỉ số chung.
Đối mặt với rủi ro
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày 20/4, VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến spinning cùng thanh khoản sụt giảm trong phiên đáo hạn phái sinh cho thấy tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán.
VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ sâu hơn nếu không sớm lấy lại ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.050 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ bán hạ tỷ trọng các vị thế trading đã trong trường hợp đánh mất hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ đã đề cập.
Tiếp tục xu hướng tích lũy
Chứng khoán BIDV (BSC)
Chứng khoán ngày 20/4, thị trường gần như không có thay đổi so với phiên hôm qua. Sau một ngày giằng co, VN-Index kết phiên tại mốc 1.049,25 điểm. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 13/19 ngành tăng điểm, các ngành đều không có biến động đáng kể. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng nhẹ trên sàn HNX.
Xu hướng tích lũy của VN-Index có thể vẫn sẽ tiếp tục trong ngắn hạn cho đến khi dòng tiền trở lại thị trường.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggiaonline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.