Thương gia Trương Thị Tuất – chủ thương hiệu nước mắm Hồng Hương

Thương hiệu nước mắm Hồng Hương một trong những hãng sản xuất nước mắm quy mô lớn tại Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) giai đoạn 1933 - 1975...
Thương gia Trương Thị Tuất – chủ thương hiệu nước mắm Hồng Hương

Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) ngày nay là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của đất nước. Đi trên những con phố dài mặn mòi hương biển, ngắm nhìn những tòa nhà hiện đại xen lẫn cổ kính… mấy ai biết rằng chủ nhân của rất nhiều căn nhà phố đó là một người đàn bà giàu nức tiếng một thời: Thương gia Trương Thị Tuất – chủ thương hiệu nước mắm Hồng Hương.

Hai phận nghèo cuộn thành ý chí

Cất tiếng khóc chào đời trong một mái lều tranh vách lá che tạm ở ven bờ sông Cà Ty thuộc làng Đức Thắng (Phan Thiết) vào năm một ngày cuối năm Mậu Tuất 1898, nên đứa con gái thứ chín này được cha mẹ đặt tên là Trương Thị Tuất cho dễ nhớ năm sinh và ngôi thứ.

Thương gia Trương Thị Tuất – chủ thương hiệu nước mắm Hồng Hương
Thương gia Trương Thị Tuất – chủ thương hiệu nước mắm Hồng Hương.

Thời điểm Trương Thị Tuất ra đời đúng vào mùa gió bấc, suốt ba tháng trời người cha không có cách nào đi biển được, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu không còn tiền, không còn gạo, nên cả đàn con nheo nhóc bữa no bữa đói.

Người mẹ nghèo do ăn uống kham khổ lâu ngày nên ngay sau khi sinh Trương Thị Tuất cũng kiệt sức mà lịm ngất đi hơn một ngày mới tỉnh lại. Chồng bà đành phải sang nhà người bạn ghe mượn tạm một ít gạo về nấu cháo cho vợ.

Để có chất tẩm bổ cho vợ có sữa cho con bú, thứ thực phẩm duy nhất mà ông có được khi ấy chỉ là vò nước mắm chôn dưới đất (hạ thổ). Thật kỳ diệu, chính cháo loãng và thứ nước mắm hạ thổ lâu ngày ấy là thứ dinh dưỡng tuyệt vời đã giúp cho người mẹ nghèo nhanh chóng hồi sức và có những dòng sữa ngọt nuôi con trong cảnh khốn cùng.

Trương Thị Tuất ngay từ khi còn nhỏ đã có tính siêng năng, chăm chỉ luôn theo mẹ và các anh chị trong nhà đi gánh cá mướn cho những chủ lều sản xuất nước mắm (ở Phan Thiết tất cả các cơ sở sản xuất nước mắm đều được gọi chung là lều hoặc sở lều).

Ngày nào cũng vậy Trương Thị Tuất - dù còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng đã phải thức dậy từ sớm tinh mơ để cùng mẹ và các anh chị trong nhà ra bờ biển đón ghe cá cập bến, rồi gánh cá đổ vào thùng cho chủ lều.

Sau khi gánh xong cá lại tiếp tục theo các anh chị đi cào muối thuê, đến chiều mới trở về dọn dẹp vệ sinh lều mắm...Nhờ được trời phú cho sức khỏe nên ai thuê việc gì, cô bé Tuất cũng nhận làm không nề hà và rất chăm chỉ chu đáo, được nhiều chủ lều tin cậy. 

Thời ấy những cô gái trong vùng cùng trang lứa với Trương Thị Tuất mới qua tuổi 17, 18 đã yên bề gia thất. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo, hơn nữa lại mải lo làm việc quần quật suốt ngày để phụ đỡ cha mẹ, nên dù đã ngoài 20 Trương Thị Tuất chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình.

Cũng vì việc lập gia đình muộn này mà mọi người trong làng thời đó gọi đùa Trương Thị Tuất bằng cái tên Chín Lâu (thứ chín, lâu lấy chồng), dần dà thành quen và trở thành tên thường gọi lúc nào không hay. Một lần gánh cá cho chủ lều, Trương Thị Tuất gặp "trai lều" Nguyễn Văn Cang (tức những thanh niên làm việc trong các lều làm nước mắm).

Vẻ hiền lành, chân chất đã khiến trái tim Trương Thị Tuất rung động. Một thời gian sau, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Thấy đôi trẻ nghèo khó không một tấc đất cắm dùi, ông chủ lều (nơi Nguyễn Văn Cang làm thuê) chạnh lòng thương cho che tạm một mái nhà lá bên cạnh lều mắm vừa để ở, vừa canh lều. Nhưng rồi cũng chỉ ở được một thời gian ngắn thì con của chủ lều không đồng ý cho ở nữa, nên đành phải dọn đi, tiếp tục những ngày tá túc ở nhờ hết nơi này đến nơi khác.

Trải qua những tháng ngày ở nhờ ở đậu nay đây mai đó, tủi cực đã thôi thúc cặp vợ chồng trẻ càng thêm chịu khó làm lụng lại chi tiêu tằn tiện để dành dụm tiền mua đất dựng nhà. Sau nhiều năm tích cóp, đến năm 1923 hai vợ chồng cũng có được món tiền đủ mua được một mảnh đất nhỏ để dựng tạm mái nhà lá đơn sơ ở một nơi hẻo lánh của làng Đức Thắng thời bấy giờ.

Gian nan gây dựng thương hiệu nước mắm Hồng Hương

Có được mái nhà riêng, tuy nhỏ nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc và thêm động lực để vợ chồng Trương Thị Tuất – Nguyễn Văn Cang đồng lòng quyết chí vươn lên thoát nghèo. Ngoài thời gian đi làm thuê cho các chủ lều nước mắm, Trương Thị Tuất (lúc này thường được người dân trong làng gọi là bà Chín Lâu) bắt đầu học hỏi cách muối cá làm nước mắm từ chính các chủ lều mình làm thuê.

logo của hương hiệu nước mắm Hồng Hương
Logo của hương hiệu nước mắm Hồng Hương.

Ban đầu ít vốn nên bà Chín Lâu chỉ ướp được vài vại nước mắm tại nhà để bán lẻ kiếm thêm thu nhập. Bởi từ nhỏ đã theo mẹ đi gánh cá thuê cho các chủ lều làm nước mắm nên việc học cách ướp cá làm nước mắm theo quy trình truyền thống của các chủ lều đối với bà Chín Lâu không mấy khó khăn.

Nắm bắt được công thức, kỹ thuật cơ bản trong quy trình, thời gian ướp cá cộng với khả năng thiên phú và sự tìm tòi thể nghiệm của riêng mình, bà Chín Lâu đã làm ra một loại nước mắm với chất lượng và hương vị khác hơn so với những loại nước mắm truyền thống ở trong vùng trước đó, khiến ai dùng thử cũng khen ngon và mua ủng hộ đôi vợ chồng nghèo.

Từ nguồn tiền bán lẻ từng lít nước mắm dành dụm được, bà Chín Lâu đầu tư lên thùng lều và che thêm mái nhà để chuyên tâm vào làm nước mắm. Tiếng lành đồn xa, dần dần nước mắm Chín Lâu không chỉ được người dân xóm chợ ưa thích, mà các bà nội chợ ở xóm khác trong vùng cũng tìm đến mua về dùng.

Danh tiếng nước mắm Chín Lâu càng ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua, lợi nhuận tăng lên đáng kể. Nhạy bén với thị trường, năm 1927 bà Chín Lâu đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất nước mắm và lấy thương hiệu là Hồng Hương, với lô gô hình con tôm. Là người luôn lấy chữ tín làm trọng trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo về chất lượng, nên chỉ vài năm sau nước mắm thương hiệu Hồng Hương của bà Chín Lâu (lúc này được gọi là bà Hồng Hương) đã vươn tới thị trường Sài Gòn rồi ra tận miền Trung, miền Bắc.

Dãy nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo do nữ thương gia Trương Thị Tuất làm chủ đầu tiên
Dãy nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo do nữ thương gia Trương Thị Tuất làm chủ đầu tiên

Tại Phan Thiết, từ những năm 20 của thế kỷ trước đã có rất nhiều hàm hộ (danh xưng dành cho những đại gia, chủ hãng nước mắm truyền thống danh tiếng), nhưng thương hiệu nước mắm Hồng Hương tuy sinh sau đẻ muộn vẫn nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần thời ấy. Đến năm 1933, trên thị trường mắm Phan Thiết, thương hiệu Hồng Hương luôn nổi tiếng nhất về chất lượng và quy mô sản xuất.

Nước mắm của thương hiệu Hồng Hương về giá cả so với nước mắm cùng loại của các hãng nước mắm khác ở Phan Thiết tuy thời ấy có phần cao hơn, nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Sản phẩm tiêu thụ mạnh, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hãng Hồng Hương phải mở nhiều cơ sở đại lý tại Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ. Đặc biệt tại Sài Gòn, nước mắm thương hiệu Hồng Hương được người Hoa ở Chợ Lớn mua sỉ và phân phối bán lẻ rất đắt khách.

Từ một sở lều ban đầu, chỉ trong vòng 15 năm, hãng nước mắm Hồng Hương đã phát triển ra hơn 20 sở lều, mỗi lều rộng hàng hecta. Ở Phan Thiết, các sở lều của nước mắm Hồng Hương trải dọc con đường Duy Tân (nay là Nguyễn Văn Trỗi).

Thời bấy giờ hầu hết các hãng nước mắm khác ở Phan Thiết phải thuê ghe hoặc chỉ sắm được từ 1- 2 chiếc ghe bầu để vận chuyển nước mắm đi bán, chỉ riêng hãng nước mắm Hồng Hương có một đội ghe bầu hùng hậu với hơn 10 chiếc, chở nước mắm xuôi vào Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh, rồi ngược ra tận miền Trung, miền Bắc.

Nói về bí quyết thành công của hãng nước mắm Hồng Hương, nhiều bậc cao niên là những hàm hộ nổi tiếng trong nghề làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết đều khẳng định rằng bà Trương Thị Tuất có một bí quyết riêng.

Sau này khi thương hiệu nước mắm Hồng Hương đã vang danh khắp cả nước, chính bà Trương Thị Tuất cũng đã chia sẻ với các hàm hộ về công thức và quy trình làm nước mắm của mình.

Bí quyết đó chỉ đơn giản là nước mắm thành phẩm trước khi xuất bán được bà Hồng Hương chứa trong thùng lớn 12.000 lít sau đó bà cho vào 3 - 4 xe bò nước lấy từ giếng dọc (nước giếng được đào trên động cát có màu trắng đục, nên thường gọi là nước hến) ở khu vực xóm lò tỉn (nay là đường Trần Quý Cáp thuộc phường Đức Long, Phan Thiết ) rồi trộn đều.

Sau khi pha với lượng nước hến này thì nước mắm trở nên dịu hơn, có vị ngọt và thơm rất đặc trưng riêng biệt của nước mắm Hồng Hương và đặc biệt dù để lâu nhưng không hề bị hư như nước mắm của các hàm hộ khác. Cách pha chế được coi là bí quyết này, sau khi được bà Hồng Hương chia sẻ thì hầu hết các hàm hộ khác đều nắm được, nhưng khi thực hiện thì không ai thành công.

Điều này chứng tỏ bà Trương Thị Tuất còn có một “tuyệt chiêu” bí quyết đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất nước mắm của mình, mà bà chỉ truyền riêng trong gia tộc (chị em, con cái, dâu, rể).

Nhờ đó, các con sau khi được bà Trương Thị Tuất truyền nghề và hỗ trợ vốn để tạo dựng hãng nước mắm riêng và đều thành công như hãng Hoa Hương của người con gái thứ ba, hãng Hồng Sanh của người con gái thứ 7… Đặc biệt người em gái ruột thứ mười của bà Trương Thị Tuất là bà Trương Thị Mao cũng được bà giúp đỡ mở hãng nước mắm lấy thương hiệu là Hồng Xuyên nổi tiếng không kém gì Hồng Hương.

Năm 1957, ông Nguyễn Văn Cang mất, một mình bà Trương Thị Tuất điều hành hãng nước mắm Hồng Hương một thời gian khá dài, sau đó bà giao cho vợ chồng người con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Ngọ và bà Lương Nguyệt Quyên quản lý điều hành.

Người con rể là ông Dương Quang Thiết (hãng Hồng Sanh ) trước 1975 là chủ tịch nghiệp đoàn hàm hộ Phan Thiết. Sau năm 1975, vợ chồng người con gái lớn của ông Nguyễn Văn Ngọ và bà Lương Nguyệt Quyên là bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân và ông Phan Gia Tự tiếp tục thừa kế thương hiệu Hồng Hương.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thương hiệu nước mắm Hồng Hương nổi tiếng gần 100 năm giờ đã không còn thuộc sở hữu của gia đình bà Hồng Hương mà do một bạn hàng ngày xưa đã nhanh tay đăng ký và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận độc quyền thương mại năm 1994.

Sau năm 1995, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân vẫn tiếp tục làm nước mắm nhưng phải lấy thương hiệu mới là Ngân Hương. Nhưng cách nay vài năm thì thương hiệu Ngân Hương cũng biến mất trên thị trường, bởi bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân quyết định giã từ hẳn nghề làm nước mắm do lớn tuổi sức yếu, còn con cái không ai theo nghề gia truyền nữa.

Dù thương hiệu nước mắm Hồng Hương với logo hai con tôm danh tiếng không còn được hậu duệ của bà Trương Thị Tuất kế nghiệp, nhưng nhắc đến Hồng Hương người ta luôn nghĩ ngay tới người phụ vươn lên từ nghèo khó và gây dựng được một thương hiệu nước mắm vang danh khắp nước. Bà là một thương gia đã có những đóng góp to lớn trong ngành sản xuất nước mắm truyền thống Phan Thiết và mang thương nước mắm quê hương đi khắp mọi miền đất nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ PHAN THIẾT

Khi nguồn lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, kinh doanh của hãng nước mắm Hồng Hương ngày càng phát đạt, tăng cao cũng giống hai đại gia nước mắm giàu nhất nhì Phan Thiết thời ấy là ông Bát Xì (Trần Gia Hòa) và bà Lục Thị Đậu, bà Trương Thị Tuất đem đầu tư hết vào nhà cửa, đất đai để bán hoặc cho thuê.

Đường nhà phố trong cụm tứ giác Trần Hưng Đạo – Chu Văn An – Triệu Quang Phục – Ngô Sĩ Liên (Phan Thiết) thuộc sở hữu của nữ thương gia Trương Thị Tuất từ năm 1937
Đường nhà phố trong cụm tứ giác Trần Hưng Đạo – Chu Văn An – Triệu Quang Phục – Ngô Sĩ Liên (Phan Thiết) thuộc sở hữu của nữ thương gia Trương Thị Tuất từ năm 1937

Thời ấy, dọc hai bên đường Trần Hưng Đạo sầm uất đoạn từ trường Nam Phan Thiết (nay là trường tiểu học Đức Thắng) đến cầu Trần Hưng Đạo hơn 90% nhà cửa, đất đai là sở hữu của bà Trương Thị Tuất. Tại vị trí ngân hàng ngày nay, trước đây chính là một khách sạn do bà Trương Thị Tuất bỏ tiền ra xây dựng.

Năm 1973 khi Hiệp định Pari được ký kết, bà Trương Thị Tuất đã cho thuê toàn bộ khách sạn này làm trụ sở của Ủy ban 4 bên. Trường trung học Phan Bội Châu, khi mới thành lập, những người đồng sáng lập ban đầu cũng thuê lại một tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo của bà Trương Thị Tuất để làm trường, sau trả lại để làm trường tiểu học Tiến Đức và hiện nay vị trí này chính là trụ sở UBND thành phố Phan Thiết.

Biệt thự 55 Nguyễn Văn Trỗi (Phan Thiết) ngày nay là nơi con cháu bà Trương Thị Tuất và thờ tự ông bà (Trương Thị Tuất – Nguyễn Văn Cang);
Biệt thự 55 Nguyễn Văn Trỗi (Phan Thiết) ngày nay là nơi con cháu bà Trương Thị Tuất và thờ tự ông bà (Trương Thị Tuất – Nguyễn Văn Cang)

Đặc biệt 2 tòa nhà kiến trúc Pháp có mái vòm hiện vẫn còn khá đẹp nằm ở hai bên trụ sở UBND thành phố Phan Thiết, ngày xưa cũng thuộc sở hữu của bà Hồng Hương....Ngoài ra bà Hồng Hương còn bỏ tiền đầu tư xây dựng hàng trăm căn nhà phố liền kề ở các đường Chu Văn An, Triệu Quang Phục, Ngô Sĩ Liên, Đồng Khánh (nay là Trần Phú) để bán hoặc cho thuê. Tất cả những căn nhà phố liền kề ấy đều nằm trên những đường phố chính, những khu “đất vàng” sầm uất của Phan Thiết xưa và nay.

Phần mộ của vợ chồng nữ thương gia Trương Thị Tuất và ông Nguyễn Văn Cang
Phần mộ của vợ chồng nữ thương gia Trương Thị Tuất và ông Nguyễn Văn Cang.

Có thể nói, cùng với những hàm hộ (đại gia nước mắm) khác như Bát Xì (Trần Gia Hòa), Lục Thị Đậu bà Trương Thị Tuất chủ thương hiệu nước mắm danh tiếng Hồng Hương đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng một phần của đô thị Phan Thiết xưa.                                    

Có thể bạn quan tâm