Chứng khoán ngày 20/11, VN-Index sau nổ lực phục hồi cuối phiên trước khi thị trường dần phân hóa tích cực hơn trước áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, tiếp tục phục hồi trong phiên hôm nay.
Kết phiên VN-Index tăng 4,46 điểm (+0,41%) lên mức 1.100,76 điểm, mở ra kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự tâm lý mạnh tương ứng đường giá trung bình MA200 phiên.
HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,39%) lên mức 228,16 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết tích cực khi có 418 mã tăng giá (15 mã tăng trần), 205 mã giảm giá (6 mã giảm sàn) và 189 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tiếp tục suy giảm dưới mức trung bình khi chỉ đạt 14.321,68 tỷ đồng được giao dịch, giảm nhẹ 1,14% so với phiên trước, trong đó giảm khá mạnh trên sàn HNX-Index.
Thể hiện dòng tiền ngắn hạn vẫn chưa cải thiện tốt, áp lực điều chỉnh không quá đột biến, cũng như mức độ phục hồi không đồng đều, thị trường phân hóa tốt trước áp lực bán ròng liên tiếp của khối ngoại.
Khối ngoại gia tăng giao dịch và vẫn bán ròng với giá trị 413,58 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán, thép, ngân hàng; mua ròng trên HNX với giá trị 0,50 tỷ đồng.
Mặc dù chịu áp lực bán ròng của khối ngoại nhưng thị trường vẫn phục hồi tốt, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính chứng khoán nhiều mã khá tích cực, vượt vùng đỉnh giá đầu tháng 12/2023 khi VN-Index ở mức quanh 1.130 điểm, thanh khoản đột biến nổi bật với HCM (+3,65%) trước những thông tin về phát hành cổ phiếu tăng vốn, các mã còn lại đa số biến động nhẹ, thanh khoản dưới mức trung bình.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ tiếp tục có diễn biến tích cực, nổi bật so với thị trường chung khi khối ngoại giải ngân mua ròng trở lại, thanh khoản gia tăng tốt như PET (+4,67%), MWG (+4,31%), MSN (+2,73%), FRT (+1,81%)....
Các cổ phiếu vận tải biển, cảng biển cũng tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh vượt mức trung bình trước thông tin căng thẳng ở Biển Đỏ, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông qua kênh đào Suez, một trong những tuyến đường chính của thương mại thế giới, với VOS (+3,69%), DVP (+3,65%), HAH (+3,62%), SGP (+1,87%)...
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng phân hóa, đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản dưới mức trung bình như VAB (-1,49%), TCB (-0,82%), HDB (-0,79%).... ngoài NAB (+2,07%), STB (+1,32%), EIB (+0,82%)...
Ưu tiên vị thế nắm giữ
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm đáng chú ý là dù tăng điểm nhưng thanh khoản phiên hôm nay lại suy giảm so với phiên hôm qua và ở mức thấp so với trung bình 20 phiên. Vì vậy, xung lực tăng điểm trong hai phiên tăng điểm vừa qua là không mạnh và chưa đủ tín hiệu để xác nhận sự đảo chiều tăng điểm.
Nhưng dù sao đây cũng là những tín hiệu cho thấy đà giảm đang chững lại và giúp tâm lý của giới đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu bình thản hơn.
Chưa có nhiều biến động mạnh đáng chú ý trong hai phiên tăng điểm vừa qua, nên CSI chưa thay đổi quan điểm, tiếp tục ưu tiên vị thế nắm giữ danh mục và kiên nhẫn chờ đợi thêm những tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trước, sau đó gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Duy trì tỷ trọng thấp và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường
Chứng khoán SHS
Thị trường đã lấy lại được ngưỡng 1.100 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản suy giảm và chỉ số cần tiếp tục tăng điểm với động lực mạnh hơn để có thể tạo thành nhịp phục hồi kỹ thuật rõ ràng. Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân nên duy trì tỷ trọng thấp và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường.
Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục
Chứng khoán AIS
Dù lực cầu đã cải thiện nhưng VN-Index vẫn hụt hơi trước kháng cự mạnh 1.100 điểm, tương đương với giá trị của đường MA50 ngày. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm đáng kể so với phiên trước cho thấy dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh để giúp chỉ số chinh phục ngưỡng kháng cự trên.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI dù vẫn đang ở vùng trung tính nhưng đã có sự cải thiện so với phiên trước. Điều này cho thấy VN-Index có thể tích lũy quanh khu vực 1.100 điểm trước khi hướng lên vùng 1.115 điểm.
Với hoạt động đầu tư ngắn hạn, khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục.
VN-Index sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng cản gần quanh 1.110 (+/-5)
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau khi cho phản ứng hồi phục tại vùng hỗ trợ quanh 1.080 (+/-15) điểm, việc hình thành hai mẫu nến rút chân liên tiếp cho thấy bên mua vẫn đang phần nào nắm thế chủ động.
Mặc dù vậy, khi khối lượng giao dịch vẫn đứng ở mức thấp và dòng tiền đang có sự ưu tiên hơn với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thì đà hồi phục vẫn chưa thực sự vững chắc. Chỉ số VN-Index được dự báo có thể sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng cản gần quanh 1.110 (+/-5).
Sau khi mở lại một phần vị thế trading, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh tiếp tục mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt hai chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự kế tiếp, cụ thể là cận dưới 1.080 (+/-15) điểm và quanh 1.110 (+/-5) điểm.
Giải ngân thêm các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, dầu khí
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng các pha rung lắc để cân nhắc gia tăng tỉ trọng đối với các cổ phiếu đã kiểm tra thành công vùng hỗ trợ, cũng như giải ngân thêm các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, dầu khí.
Với diễn biến như hiện tại, xác suất cao thị trường sẽ sớm xuất hiện thêm các phiên hồi phục và sẽ là cơ hội tốt cho các chiến lược đầu tư lướt sóng T+.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.