Công ty chứng khoán "bứt tốc" trong cuộc đua tăng vốn điều lệ

Xét về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy việc tăng vốn là cần thiết để tạo ra những công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
chung-khoan-654aff3b7e225-5120.jpeg
Công ty chứng khoán "bứt tốc" trong cuộc đua tăng vốn điều lệ

Cuộc đua tăng vốn hàng nghìn tỷ của các công ty chứng khoán đang có dấu hiệu sôi động trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Theo khảo sát, dự kiến sẽ có ít nhất 5 công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Mục đích sử dụng vốn của phần lớn các công ty chứng khoán nhằm bổ sung hoạt động kinh doanh, đầu tư và các mục đích kinh doanh khác.

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN "ĐUA" TĂNG VỐN HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank (LPBS) đã họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 9/12/2023. Theo tài liệu công bố, Chứng khoán LPBank dự trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Công ty sẽ chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1.000:14.552, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được mua thêm 14.552 cổ phiếu mới.

Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng. Với số tiền tối thiểu thu về là hơn 3.600 tỷ, công ty dự kiến sử dụng 500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh, 200 tỷ đồng sử dụng để mở rộng mạng lưới chi nhánh tại các tỉnh thành phố lớn và còn lại 2.938 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác.

Tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) cũng thông báo tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, Chứng khoán SSI dự kiến phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:20, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận về 20 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác (nếu có) theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán của công ty.

Đồng thời, Chứng khoán SSI cũng dự kiến chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 100:10, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 10 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nếu các kế hoạch trên được thông qua, tổng cộng Chứng khoán SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới và dự kiến thu về số tiền gần 5.300 tỷ đồng. Số tiền huy động được sẽ được dùng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị quyết định.

Sau khi hoàn tất các kế hoạch trên, vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng lên mức 19.645 tỷ đồng.

Ngoài kế hoạch tăng vốn trên, Chứng khoán SSI còn dự kiến chào bán 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 1.040,4 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian gần đây, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).

Tại Chứng khoán ACBS, trong tháng 11, đơn vị này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Bộ Tài chính chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng ACB.

ACBS đã trải qua đợt tăng vốn gần đây nhất là vào tháng 6/2021, với số vốn tăng thêm 1.500 tỷ đồng, lên mức 3.000 tỷ đồng. Công ty đã sử dụng vốn hiệu quả vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như cho vay ký quỹ, kinh doanh vốn và hoạt động đầu tư.

Tính đến ngày 30/9/2023, hoạt động cho vay ký quỹ của doanh nghiệp đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 106% so với đầu năm), hoạt động đầu tư đạt 1.570 tỷ đồng (tăng gấp ba lần so với đầu năm) và hoạt động kinh doanh vốn đạt 2.719 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2023-12-19-luc-205243-7920.png

Vào tháng 7/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Cụ thể, VNDirect dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2023 hoặc năm 2024 sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài ra, VNDirect cũng lên kế hoạch phát hành gần 61 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong Báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán năm 2022, trong đó sử dụng hơn 608,9 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2023 sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán và phát hành của VNDirect là gần 305 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.

Về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, VNDirect dự kiến dùng 40% số tiền thu được để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, 20% số tiền để đầu tư vào giấy tờ có giá, 20% để bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng lên phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với số tiền dự kiến huy động được là 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán Tiên Phong sẽ dùng nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ, hoạt động đầu tư và cơ cấu nợ của công ty. Cụ thể, công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh, 200 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư vốn và 100 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ hợp pháp khác.

SỨC NÓNG CỦA "CUỘC ĐUA" ĐẾN TỪ ĐÂU?

Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, việc các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn phần nào phản ánh tiềm năng của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam chưa tới 7%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan và mức 12,5% tại Malaysia. Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới.

Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ những tồn tại giúp thị trường chứng khoán có thể sớm được nâng hạng. “Với tất cả những yếu tố này kết hợp lại, chúng tôi tin rằng triển vọng của lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn tồn tại nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác hết”, VNDirect nhận định.

Theo khảo sát, đa số các công ty chứng khoán cho biết sẽ sử dụng số tiền huy động vốn để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Đây được đánh giá là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn.

Nhìn chung, việc phát hành cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán sẽ giúp bổ sung thêm nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… trong bối cảnh thị trường khởi sắc. Các hoạt động này có thể giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn.

Có thể thấy, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán đang diễn ra sôi động từ nửa cuối năm 2023 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Xét về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy việc tăng vốn là cần thiết để tạo ra những công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định.

anh-chup-man-hinh-2023-12-19-luc-205251-1036.png

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, Chứng khoán SSI “dẫn đầu” những công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất với 15.011 tỷ đồng. Theo sát sau vị trí thứ 2 là Chứng khoán VPBank với 15.000 tỷ đồng. Cán đích ở vị trí thứ 3 là Chứng khoán VNDirect với tổng vốn điều lệ đạt 12.178 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đây là 3 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng.

Theo sau lần lượt là các công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như : Chứng khoán SHS (8.132 tỷ đồng); Chứng khoán VIX (6.694 tỷ đồng); Chứng khoán Mirae Asset (6.591 tỷ đồng); Chứng khoán VPS (5.700 tỷ đồng); Chứng khoán HSC (4.581 tỷ đồng); Chứng khoán MSB (4.377 tỷ đồng); Chứng khoán VCI (4.375 tỷ đồng)...

Có thể bạn quan tâm