Xu thế chứng khoán ngày 23/8: Áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn

Cán cân cung cầu tạm thời cân bằng hơn trong vùng VN-Index 1.180-1.200 điểm, tuy nhiên chưa có tín hiệu chắc chắn về đợt tăng giá trở lại sau nhịp điều chỉnh vừa qua.

Xu thế chứng khoán ngày 23/8: Áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn
Xu thế chứng khoán ngày 23/8: Áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn

Chứng khoán 22/8, sau phiên phục hồi trước, thị trường mở đầu phiên giao dịch với tâm lý thận trọng khi áp lực của khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 1.645 tỷ cổ phiếu ngày 18/8/2023 sẽ về tài khoản. VN-Index sau đó giảm dần và đánh mất 25 điểm khi đóng cửa phiên sáng. Áp lực bán gia tăng mạnh ngay đầu phiên chiều dẫn đến VN-Index điều chỉnh về vùng 1.150 điểm, tương ứng với vùng giá cao nhất ngày 10/7/2023 sau khi vượt qua được đỉnh giá tháng 6/2023. VN-Index sau đó phục hồi tốt trở lại và kết phiên ở mức 1.180,49 điểm, tăng nhẹ 0,73 điểm so với phiên trước.

HNX-INDEX tích cực hơn tăng 1,68 điểm (+0,71%) lên mức 239,65 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết dù vậy vẫn nghiêng về tiêu cực khi mức độ phục hồi kém và áp lực bán vẫn gia tăng ở nhiều mã có tính chất đầu cơ, nhóm bất động sản với tổng cộng có 327 mã giảm giá (11 mã giảm sàn), 303 mã tăng giá (11 mã tăng trần), và 131 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 23.794,37 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với phiên trước, vẫn duy trì trên mức trung bình. Nhiều mã vẫn phục hồi kém với thanh khoản suy giảm. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng khá mạnh trên HOSE với giá trị 725,04 tỷ đồng, trong đó bán ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 12,37 tỷ đồng.

Sáng 22/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Theo đó, nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế 07 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14%-15%.

Điểm nhấn trong thị trường là mức độ hồi phục của nhóm cổ phiếu tài chính, chứng khoán nổi bật như SSI (+6,41%) với khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức rất cao sau khi lập kỷ lục trong phiên 17/08/2023 và tiếp tục vượt mức giá gần nhất, các mã khác cũng phục hồi tốt như VCI (+5,20%), SHS (+5,13%), VDS (+4,58%), MBS (+4,02%)...

Các cổ phiếu bán lẻ sau khi phục hồi tốt ở phiên trước, tiếp tục có phiên giao dịch tích cực với thanh khoản cải thiện như DGW (+6,90%), PET (+2,98%), FRT (+2,89%), MWG (+2,04%)... Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng phục hồi tích cực với KBC (+4,67%) khi lợi nhuận tăng sau báo cáo soát xét 06 tháng đầu năm, IDC (+4,13%), SZC (+3,71%), PHR (+1,91%)... ngoài các mã vẫn tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh như BCM (-1,30%), GVR (-1,30%)...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài phân hóa có diễn biến tiếp tục kém tích cực, nhiều mã tiếp tục chịu áp lực bán, điều chỉnh với CEO (-2,73%), LDG (-2,70%), VIC (-1,98%), TDC (-1,61%)... bên các mã phục hồi nhẹ với thanh khoản giảm dưới mức trung bình.

22.8.png
Chỉ số VN-Index ngày 22/8

Hạn chế sử dụng đòn bẩy

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa hình thành nến hammer với bóng dưới rất dài tại vùng 1.180 điểm, cho thấy vùng điểm số này vẫn đang là vùng hỗ trợ mềm trong ngắn hạn cũng như tiếp tục thể hiện sự giằng co giữa phe bán và phe mua. Khối lượng giao dịch không biến động nhiều so với phiên trước, cho thấy lực cung bán tháo đã được hấp thụ, và nhà đầu tư có xu hướng bán cổ phiếu một cách có chọn lọc hơn. Chỉ báo RSI đã rơi về gần 40 và khá gần với mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Dù hiện tại chỉ số vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm nhưng trong những phiên tới, nếu lực cung tiếp tục được hấp thụ tích cực khiến cho thị trường dần ổn định hơn thì có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn trong một số phiên như đã từng nhiều lần ghi nhận kể từ đầu năm nay.

Thị trường tiếp tục ghi nhận tín hiệu phân hóa trong phiên hôm nay nhưng nhiều khả năng sẽ cần thêm một số phiên để từng cổ phiếu cụ thể xác lập điểm cân bằng mới. Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro trong giai đoạn này và hạn chế sử dụng đòn bẩy kể cả trong những nhịp hồi phục ngắn hạn. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần tuân thủ kỷ luật đầu tư với các ngưỡng chốt lời/cắt lỗ nên ở khoảng 5-7%.

Ngoài ra, đối với hoạt động mua mới thì nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu vẫn duy trì nhịp tăng tích cực trong các phiên liền trước cũng như phiên hôm nay nhưng cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn, và nhà đầu tư cũng có thể chú ý thêm tới những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều (đang tạo nền tích lũy) để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi mức độ biến động của thị trường giảm bớt trong thời gian tới.

Xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến rung lắc mạnh trong phiên trước khi hồi phục và lấy lại được phần lớn thành quả đã mất về cuối phiên. Lực cầu gia tăng áp đảo về cuối phiên, kết hợp ngưỡng hỗ trợ quanh 115x giúp cho VN-Index tránh được một nhịp giảm sâu.

Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh trong các phiên kế tiếp với ngưỡng kháng cự gần được đặt quanh 119x-120x. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các phiên điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ đã đề cập.

VN-Index giao dịch cân bằng quanh vùng 1.180 – 1.200 điểm

Chứng khoán Asean

Thị trường tiếp tục có một phiên giao dịch với biên độ rộng và hồi phục mạnh mẽ trở vào phiên chiều. Một phần lượng hàng bắt đáy cuối tuần trước đã được thị trường hấp thụ tương đối tốt trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Bên cạnh đó, tâm lý giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng đã được cải thiện giúp giảm thiểu rủi ro điều chỉnh kéo dài.

Dự báo chỉ số VN-Index có thể giao dịch cân bằng quanh vùng 1.180 – 1.200 điểm và duy trì quán tính tăng điểm trong đầu phiên tới. Nhà đầu tư chưa kịp tham thị trường có thể giải ngân thăm dò, và nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên mức tối đa 70%.

Kiểm tra lại mức 1.200 điểm

Chứng khoán Yuanta (FSC)

Thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ “test” lại mức 1.200 điểm. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật đang giảm về vùng quá bán cho thấy lực cầu có thể sẽ gia tăng trong vài phiên tới, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và đây vẫn chưa phải là vùng mua quá an toàn. Tuy nhiên, điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1.160 điểm của chỉ số VN-Index đang tỏ ra khá chắc chắn khi đồ thị giá của chỉ số VN-Index đã có hai lần thử thách vùng kháng cự này.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đã bị chiết khấu mạnh và có dấu hiệu chững lại đà giảm ngắn hạn tại các vùng hỗ trợ mạnh cho nên mức hỗ trợ 1.160 điểm của chỉ số VN-Index được xem là vùng hỗ trợ quan trọng cho đà giảm ngắn hạn này.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể sẽ nắm giữ danh mục hiện tại và dừng bán ở vùng giá hiện tại. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…