Xu thế chứng khoán ngày 3/10: Rủi ro giảm điểm của VN-Index vẫn còn

Thị trường dù đang có tín hiệu hồi phục tuy nhiên vẫn có rủi ro Vn-Index lại tiếp tục điều chỉnh trong các phiên tới. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng thấp, kiên nhẫn theo dõi diễn biến thị trường trong các phiên tới…

Xu thế chứng khoán ngày 3/10: Rủi ro giảm điểm của VN-Index vẫn còn
Xu thế chứng khoán ngày 3/10: Rủi ro giảm điểm của VN-Index vẫn còn

Chứng khoán 2/10, thị trường bắt đầu kỳ giao dịch quý 4/2023, mặc dù VN-Index đã trải qua tháng 9/2023 với áp lực giảm điểm mạnh, tuy nhiên kết thúc quý 3 vẫn duy trì tăng điểm với những yếu tố vĩ mô dần cải thiện. VN-Index khởi đầu quý 4 tăng điểm hướng lên vùng 1.160 điểm, trong phiên điều chỉnh nhẹ và kết phiên tăng 1,10 điểm (+0,10%) lên mức 1.155,25 điểm với thanh khoản ở mức thấp.

HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,16%) lên mức 236,72 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết nghiêng về tích cực khi tổng cộng có 385 mã tăng giá (14 mã tăng trần), 267 mã giảm giá (4 mã giảm sàn) và 134 mã giá tham chiếu.

Sau phiên kết thúc quý 3 với thanh khoản rất thấp, thanh khoản trên hai sàn hôm nay chỉ đạt 12.896,78 tỷ đồng, tương ứng khoảng 60% so với mức trung bình và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Diễn biến này cho thấy thị trường phân hóa và tâm lý thận trọng sau nhịp giảm điểm mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp giao dịch, mua ròng trên sàn HOSE với giá trị 177,38 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 4,37 tỷ đồng.

Thị trường đón nhận thông tin PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,7 trong tháng 9/2023, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8. Với kết quả này, S&P Global đánh giá, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ trong tháng 9, tích cực là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ tăng gần như ngang bằng với kỳ khảo sát trước.

Các nhóm cổ phiếu chủ yếu phân hóa khá mạnh và biến động trong biên độ hẹp phiên hôm nay. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thủy sản khi số liệu xuất khẩu thủy sản tháng 9 dần cho thấy dấu hiệu tích cực (giá trị xuất khẩu tháng 9/2023 tương đương cùng kỳ năm 2022). Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh yếu tố tỉ giá có lợi cho xuất khẩu. Thông tin này giúp cho nhiều mã trong ngành có mức tăng tốt, nổi bật với ANV (+6,94%), FMC (+6,91%), CMX (+5,91%), IDI (+4,83%)..

Các cổ phiếu nông nghiệp, chăn nuôi cũng có diễn biến khá tích cực với thanh khoản cải thiện tốt như BAF (+5,15%), DBC (+2,51%), HAG (+2,33%), LTG (1,33%)...

Nhóm cổ phiếu đầu tư công, xây dựng vật liệu xây dựng sau áp lực bán mạnh cuối tháng 9, cũng có diễn biến phục hồi tốt trước thông tin giải ngân đầu tư công 9 tháng năm 2023 là năm đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mốc 50%. Tính đến ngày 30/9/2023, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch. Các cổ phiếu nổi bật với HHV (+ 4,76%), FCN (+4,45%), KSB (+3,28%), PHC (+3,18%), VCG (+2,90%)...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có diễn biến kém tích cực nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung khi đa số chịu áp lực điều chỉnh với TPB (-1,96%), TCB (-1,49%), HDB (-1,44%), LPB (-1,44%).. ngoài các mã tăng giá nhẹ, thanh khoản ở mức thấp như OCB (+1,87%), MSB (+1,82%), STB (+0,65%)...

2.10.png
Chỉ số VN-Index ngày 2/10

Lực cầu vẫn còn yếu khiến thị trường vẫn chưa thể hồi phục mạnh

Chứng Khoán Yuanta Việt Nam

Chỉ số VN-Index có thể biến động giằng co quanh đường trung bình 100 phiên và thị trường có thể vẫn có khả năng quay lại đà giảm trong phiên kế tiếp. Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại và thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật.

Điểm tiêu cực là lực cầu vẫn còn yếu khiến thị trường vẫn chưa thể hồi phục mạnh cho nên chúng tôi vẫn còn e ngại ở nhịp hồi này. Ngoài ra, tỷ lệ Risk/Reward của chỉ số VN-Index ở mức 0,98 cho nên chúng tôi cho rằng đây vẫn chưa phải là điểm mua an toàn.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nên tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu và chưa nên mua mới trong giai đoạn này.

Thị trường vẫn đang rung lắc và chưa rõ xu hướng ngắn hạn

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên hình thành nến Doji thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đều có xu hướng bẻ ngang cho thấy lực cầu vẫn khá rụt rè và chưa đủ để giúp thị trường có được nhịp phục hồi tốt. Bên cạnh đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX và DI- vẫn đang ở mức cao nên xác xuất thị trường tiếp tục giảm điểm là cần được tính tới.

Tuy thị trường chung vẫn đang rung lắc và chưa rõ xu hướng ngắn hạn nhưng sự phân hóa vẫn được thể hiện rõ rệt và tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu, thu gọn lại danh mục, hoặc có thể giải ngân bắt đáy lướt sóng với tỉ trọng thấp từ 10 – 25% tài khoản đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có xu hướng phục hồi tốt hơn thị trường.

Tiếp tục trạng thái thăm dò tại vùng 1.150 – 1.163 điểm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường tiếp tục trạng thái thăm dò tại vùng 1.150 – 1.163 điểm. Tín hiệu nến Star với thanh khoản giảm cho thấy trạng thái thăm dò cung cầu vẫn chưa rõ kết quả. Tuy nhiên, có thể thấy áp lực cung có chiều hướng giảm sau 3 phiên lưỡng lự. Tín hiệu này có thể giúp thị trường nới rộng nhịp hồi phục nhưng mức độ hồi phục sẽ hạn chế và tùy thuộc vào trạng thái dòng tiền hỗ trợ.

Nếu dòng tiền hỗ trợ vẫn còn thấp thì rủi ro suy yếu trở lại sau nhịp hồi phục vẫn còn hiện hữu. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và đánh giá trạng thái thị trường. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường trong thời gian tới để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Thị trường đang thiếu những động lực bứt phá trong ngắn hạn

Chứng khoán Asean

VN-Index đang dần ổn định sau 3 tuần giảm điểm mạnh liên tục từ vùng 1.250 điểm. Tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường đang thiếu vắng những động lực bứt phá trong ngắn hạn trong bối cảnh các hoạt động kinh tế hồi phục chậm.

Do đó, nhà đầu tư nên duy trì quan điểm thận trọng, chờ đợi các thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 và chỉ giải ngân thăm dò khi thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều rõ ràng. Trong kịch bản tích cực, thị trường có thể sẽ xuất hiện phiên bùng nổ theo đà ngay trong tuần này với đà tăng giá mạnh kèm thanh khoản cải thiện. Trong kịch bản tiêu cực, thị trường có thể quay trở lại kiểm định vùng đáy cũ 1.120 – 1.140 điểm. Các nhóm ngành dẫn dắt có cơ bản tốt và dòng tiền hỗ trợ trong giai đoạn hiện tại là Thép, Thủy sản, Vận tải biển, Khu công nghiệp, Dầu khí,…

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm