Xu thế chứng khoán ngày 3/2: Rung lắc mạnh, thích hợp bán hạ tỷ trọng hơn so với mua mới

Với giá trị cân bằng hôm nay, kỳ vọng thị trường chứng khoán ngày mai sẽ hồi phục để nhà đầu tư giảm tỷ trọng. Với kháng cự từ vùng 1.125 – 1.200 phía trên đều rất dày và mạnh nên rung lắc biến động dự báo sẽ rất mạnh, thích hợp bán hạ tỷ trọng dần hơn so với mua mới.

Chứng khoán ngày 2/2/2023, thị trường giằng co rất mạnh và kết phiên với sắc xanh nhẹ. Kết phiên, VN-Index tăng 1,62 điểm (+0,15%) lên 1.077,59 điểm. HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,32%) xuống 215,31 điểm. UPCOM giảm 0,05 điểm (-0,07%) xuống 74,88 điểm. Thanh khoản phiên hôm nay suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất với 12.818 tỷ đồng giao dịch trên cả ba sàn.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về tiêu cực với 583 mã giảm, 164 mã tham chiếu và chỉ có 250 mã tăng. Rất may là nhóm VN30 (+0,5%) có giao dịch khá tích cực để hỗ trợ thị trường chung với 16 mã tăng, 2 mã đứng giá và 12 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ thăng bằng cho chỉ số VN-Index trong phiên chiều với đầu tàu là VCB (+1,7%) đóng góp 1,782 điểm vào chỉ số, tuy nhiên nhóm bất động sản (nhà ở và cả khu công nghiệp) lại tạo thêm áp lực lên chỉ số, với hàng loạt tên tuổi có mức giảm mạnh hơn so với cuối phiên sáng, ví dụ như DIG (-4,3%), DXG (-3,2%), HDG (-2,3%), NVL (-2,4%), PDR (-1,1%), QCG (-2,3%), SCR (-2,3%), SJS (-2,5%), KBC (-5,3%)…

Khối ngoại vẫn mua ròng, nhiều hơn hôm qua, tập trung vào HPG (+0,9%), STB (+1,9%), VND (-1,9%), SSI , HDB (-3,4%)… và chứng chỉ FUEVFVND (-0,5%). Tuy nhiên, họ cũng bán ròng khá nhiều ở VHM và KBC, thậm chí cả ở NVL.

HPG được khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong phiên chiều nên vẫn giữ được sắc xanh. Cũng được mua ròng nhiều, nhưng HSG thì không, mã này sáng còn tăng, đến cuối phiên chiều đã giảm 1%. Trong nhóm ngành sắt thép, đa số cổ phiếu khác đều giảm giá, nhiều mã còn giảm mạnh hơn so với lúc trưa, ví dụ như POM (-2,7%), SMC (-2,9%), TDS (-7,7%), TVN (-1,8%), VGS (-2,4%), NKG (-4,7%).

MWG (+5,9%) gây bất ngờ trong phiên hôm nay khi đóng cửa tăng giá mạnh, qua đó đóng góp 1,029 điểm vào chỉ số VN-Index.

Bảo hiểm giữ được sắc xanh trên diện rộng suốt từ phiên sáng cho đến cuối phiên chiều, dù mức tăng không thực sự nổi bật. Với các cổ phiếu tiêu biểu như BLI (+5,2%), AIC (+1%), BIC (+2,6%), BMI (+2,9%), PRE (+1,1%), VNR (+0,9%)...

chứng khoán ngày

Đang trong nhịp chỉnh thông thường

Chứng khoán MB (MBS)

Chứng khoán ngày 2/2, sau phiên giảm mạnh hôm qua, thị trường giao dịch trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp là tín hiệu tích cực. Nhà đầu tư bán rất “dứt khoát” ở phiên hôm qua khó quay lại ngay trong phiên hôm nay, do vậy thanh khoản giảm là điều dễ hiểu. 

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn được hỗ trợ ở vùng 1.060 -1.066 điểm một phần nhờ lực mua từ khối ngoại ở nhóm bluechips. Một phiên “giữ khách” tuy chưa bù đắp những thiệt hại nhưng tạo cho nhà đầu tư tâm lý thị trường đang trong nhịp chỉnh thông thường sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp.

Nếu thị trường chưa để mất vùng hỗ trợ như trên thì đây có thể là vùng tích lũy trước khi quay lại vùng đỉnh tháng 12.

Tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi 

Chứng khoán Vietcombank(VCBS)

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng nến tại vùng tham chiếu tạo 1 cây Spining Top với khối lượng có phần sụt giảm cho thấy sự giằng co giữa bên mua và bên bán. 

Tuy nhiên, với việc 2 chỉ báo RSI và MACD tại khung đồ thị giờ vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy đầu tiên nên rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn đang tiềm ẩn. 

Nếu tình hình không được cải thiện, khu vực 1.050 sẽ là hỗ trợ gần nhất của thị trường, đây cũng là vùng điểm đã có chuỗi phiên tích lũy và giao cắt với đường MA20. Khuyến nghị các nhà đầu tư trong ngắn hạn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường tạo điểm cân bằng trước khi xem xét việc mở mới giao dịch ở thời điểm hiện tại.

Thích hợp bán hạ tỷ trọng

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

VN-Index đóng cửa với cây nến Doji, tạm thời ghi nhận mức cân bằng tại vùng hỗ trợ hội tụ giữa đỉnh phục hồi tháng 10 năm ngoái với kênh giá nối giữa 2 đáy tháng 11 và tháng 12 năm ngoái. 

Với việc tạm thời cân bằng hôm nay,  hy vọng thị trường sẽ có nhịp hồi phục ngắn để hạ tỷ trọng giao dịch trong ngắn hạn. Khi tín hiệu tăng giá ngắn hạn đang có xu hướng chuyển dần sang đi ngang và thậm chí sẽ là giảm giá nếu vùng hỗ trợ mạnh trước đó quanh mốc 1.065 bị xuyên thủng. 

Với giá trị cân bằng hôm nay,  kỳ vọng thị trường chứng khoán ngày mai sẽ hồi phục để nhà đầu tư giảm tỷ trọng. Với việc kháng cự từ vùng 1.125 – 1.200 phía trên đều rất dày và mạnh nên rung lắc biến động dự báo sẽ rất mạnh, thích hợp bán hạ tỷ trọng dần hơn so với mua mới.

Xu hướng tăng trong ngắn hạn đang rất khó có thể duy trì. Chiến lược giao dịch trong ngắn hạn là nên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các nhịp hồi và theo dõi thật kỹ vùng 1.060 – 1.065 điểm.

Sớm gặp áp lực giảm điểm

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên với các nhịp tăng giảm đan xen và hình thành mẫu nến spinning về cuối phiên. Vùng hỗ trợ đáng lưu ý 106x cho phản ứng sớm cùng với lực bán có phần suy giảm đã giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn. 

Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn đang hiện hữu, dự báo phiên chứng khoán ngày mai VN-Index sẽ sớm gặp áp lực giảm điểm trở lại với vùng kháng cự gần được đặt quanh 109x.

Khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỷ trọng trading quanh ngưỡng kháng cự đã đề cập.

Giằng co trong vùng 1.070-1.080

Chứng khoán BIDV (BSC)

Chứng khoán ngày hôm nay, thị trường giằng co cả ngày trong vùng 1.070-1.080 và cuối ngày đóng cửa tại mốc 1.077,59 điểm, chỉ tăng nhẹ hơn 1 điểm so với hôm qua.

Số mã giảm áp đảo so với số mã tăng, 12/19 ngành giảm điểm, trong đó ngành du lịch và giải trí có mức giảm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, một số ngành tăng điểm trong ngày hôm nay có thể kể đến ngành bán lẻ, ô tô và phụ tùng, ngân hàng, tài nguyên cơ bản,…

Đà bán tháo đã chững lại trong ngày hôm nay. Trong ngắn hạn,dự báo chứng khoán ngày mai chỉ số có thể sẽ tiếp tục có những phiên giằng co trong vùng 1.070-1.080. Nhưng cũng không loại trừ khả năng áp lực chốt lời sau đợt hồi phục trước đó mạnh và đẩy chỉ số xuống tiếp. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới. 

Có thể bạn quan tâm