Xu thế chứng khoán tuần 11/9-15/9: Nhịp điều chỉnh còn tiếp diễn

Hiện tại, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và có khả năng trở lại vùng 1.280 trong thời gian tới…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xu thế chứng khoán tuần 11/9-15/9: Nhịp điều chỉnh còn tiếp diễn
Xu thế chứng khoán tuần 11/9-15/9: Nhịp điều chỉnh còn tiếp diễn

Chứng khoán tuần 5/9-8/9, VN-Index khởi đầu tuần mới tháng 9/2023 với tâm lý tích cực, qua đó 2 phiên đầu tuần tăng giá tốt lên lại vùng đỉnh giá cao nhất tháng 8/2023 quanh 1.246 điểm và chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trở lại. Kết thúc tuần, VN-Index vẫn tăng 1,42% so với tuần trước, duy trì 3 tuần liên tiếp tăng điểm từ vùng giá 1.150 điểm lên 1.241,48 điểm với thanh khoản cải thiện mạnh, trung bình hơn 1 tỷ USD trên HOSE.

HNX-Index tích cực hơn vượt lên vùng đỉnh giá tháng 8/2023, kết thúc tuần ở mức 256,20 điểm, tăng 2,58% so với tuần trước và hướng đến vùng giá thấp tháng 6/2023 quanh 263 điểm.

Trong tuần thị trường giao dịch sôi động khi dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao. Thanh khoản trên HOSE đạt 121.945,54 tỷ đồng tăng 20,4% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 20%. Khối lượng giao dịch trung bình hơn 1 tỷ cổ phiếu/1 phiên ở HOSE. Thanh khoản HNX tăng 5,4% với 11.100,44 tỷ đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị 850,13 tỷ đồng, mua ròng trên HNX với giá trị 108,62 tỷ đồng.

Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng; Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức họp về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm tổ chức vào ngày 7/9/2023; Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt khi mua ô tô điện do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn; Số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao, khi chỉ trong tháng 8 vừa qua đã có thêm hơn 150.000 tài khoản đầu tư mới tham gia thị trường.

VIC (-4,83%) là cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng kém tích cực lên thị trường và trong VN30 cùng với VRE (-2,31%), VHM (-1,28%), TPB (-1,02%)... đa số còn lại có diễn biến tích cực đại diện cho các ngành nghề như thép HPG (+4,17%), bất động sản khu công nghiệp, cao su với GVR (+3,89%), BCM (+0,55%), dầu khí với GAS (+3,65%), PLX (+2,20%).. bán lẻ với đại điện MWG (+3,16%), bảo hiểm với BVH (+1,00%)...

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh như OCB (+8,67%), ABB (+8,05%), MSB (+5,36%), NAB (+5,26%), VPB (+3,24%)... Trong khi đó nhóm cổ phiếu nổi bật nhất trong thị trường tuần qua là nhóm hàng hóa cơ bản, phân bón DDV (+18,87%), LAS (+11,63%), DPM (+9,47%), DCM (+9,19%) trước thông tin Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, nhóm hóa chất CSV (+6,09%), DGC (+5,60%), cảng biển, vận tải biển với HAH (+ 9,80%), DXP (+8,46%), VOS (+7,53%), VSC (+6,17%)....

Thăm dò tại vùng 1.230 – 1.245 điểm

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường có diễn biến kiểm tra lại vùng đỉnh cũ nhưng tiếp tục bị cản và trở lại trạng thái cân bằng. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy dòng tiền vẫn thận trọng trước áp lực cung tại vùng đỉnh cũ. Thay vào đó là diễn biến phân hóa mạnh trên thị trường, với diễn biến sôi động ở nhiều cổ phiếu có vốn hóa vừa. Với động thái thận trọng vẫn còn, có khả năng thị trường sẽ gặp khó khăn và cần thời gian dao động thăm dò tại vùng 1.230 – 1.245 điểm trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu và đánh giá trạng thái thị trường trước vùng đỉnh cũ. Tạm thời vẫn cân nhắc khả năng chốt lời hoặc giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc đang có động thái suy yếu từ vùng cản.

Xu hướng chính của thị trường vẫn là đi lên

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần hình thành nến dạng Gravestone Doji cho thấy áp lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đều đang hướng xuống cùng với việc suy yếu của DI+ cho thấy thị trường sẽ có những nhịp rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang có diễn biến tốt nằm trên dải mây ichimoku xanh và 2 chỉ báo MACD và RSI nêu trên vẫn chưa có dấu hiệu tạo đỉnh nên xu hướng chính của thị trường vẫn là đi lên.

Nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có thể bán lướt sóng và tận dụng những nhịp rung lắc để mua lại đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành như chứng khoán, điện. Đối với chiến lược giao dịch dài hạn, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng và có thể cân nhắc gia tăng nếu cổ phiếu cho tín hiệu kiểm tra lại thành công các vùng hỗ trợ.

Điều chỉnh giằng co để thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Trong phiên giao dịch cuối tuần, sau những nỗ lực tăng điểm bất thành trong phiên, VN-Index dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co về cuối phiên. Áp lực chốt lời một lần nữa gia tăng quanh vùng đỉnh cũ 1.245 đã khiến cho đà tăng điểm của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên.

Mặc dù cơ hội mở rộng đà tăng điểm vẫn hiện hữu, VN-Index nhiều khả năng sẽ trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.22x. Nhà đầu tư cần tránh mua đuổi, chỉ gia tăng 1 phần tỷ trọng trading trong các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ của cổ phiếu.

Tích lũy để lấy lại đà tăng

Chứng khoán Asean

Thị trường cần tiếp tục tích lũy thêm trong các phiên giao dịch sắp tới, để hấp thụ hết lượng hàng chốt lời của nhóm nhà đầu cơ ngắn hạn trước khi có thể lấy lại đà tăng. Nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu dài hạn với tỷ trọng ở mức trung bình khá, đồng thời tận dụng các nhịp điều chỉnh rũ bỏ sắp tới để gia tăng tỷ trọng danh mục.

Xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế

Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)

Tăng liên tiếp 6 phiên và mới chỉ điều chỉnh giảm nhẹ trong 2 phiên gần nhất thể hiện xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế. Vùng 1.255 hiện là kháng cự quan trọng của chỉ số và với độ dốc của xu hướng hiện tại, chúng tôi cho rằng VN-Index cần có nhịp tích lũy trong tuần sau trước khi vượt kháng cự này.

Mốc hỗ trợ ngắn hạn đang là vùng 1.220 – 1.225. Điểm kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức +6 (KHẢ QUAN).. Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang đạt ở mức 17,1x.

Tiếp tục diễn biến giằng co

Chứng khoán VIETCAP

Dự báo trong phiên tới, thị trường có thể tiếp tục diễn biến giằng co. Chỉ số đại diện VN-Index sẽ dao động giữa kháng cự 1.245 điểm và hỗ trợ EMA5 tại 1.237 điểm trong phiên buổi sáng. Ở kịch bản tích cực nếu VN-Index tăng trong phiên chiều và vượt qua mốc 1.245 thuyết phục, chỉ số sẽ phát tín hiệu tiếp tục tăng và hướng lên kháng cự tại 1.280-1.285 điểm.

Ngược lại, nếu lực bán tiếp tục chiếm ưu thế khiến VN-Index vi phạm hỗ trợ EMA5, chỉ số sẽ điều chỉnh giảm mạnh hơn để kiểm định hỗ trợ EMA10, EMA20 tại vùng 1.215 điểm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm