Ý kiến chuyên gia: Panorama phải được cải tạo thành điểm dừng chân

Tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến chuyên gia trên nhiều lĩnh vực về phương án cải tạo công trình Panorama. Công trình xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng đã làm dậy sóng dư luận hồi năm ngoái.
Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng
Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng

Theo đó, phương án được thống nhất sẽ là không phá dỡ toàn bộ công trình, tuy nhiên Panorama (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) sẽ phải được cải tạo thành điểm dừng chân và không có dịch vụ lưu trú qua đêm.

Ba tiêu chí được đặt ra với chủ đầu tư khi cải tạo gồm: Thứ nhất, đảm bảo theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn; Thứ hai, phải đảm bảo an toàn; Thứ ba, đảm bảo vấn đề về vệ sinh.

Tại cuộc họp, phương án “chốt” được các chuyên gia và tỉnh Hà Giang thống nhất là không phá dỡ toàn bộ công trình, nhưng biến Panorama thành điểm dừng chân và không có dịch vụ lưu trú qua đêm. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa nêu quan điểm về phương án cải tạo Panorama Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân là nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản, tạo nguồn sinh kế mới cho đồng bào địa phương. Tuy nhiên cần lưu ý về dự án cải tạo. “Phải có sự nghiên cứu thấu đáo để sáng tạo ra hình thức kiến trúc phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Nhận xét về dự án cải tạo, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, cấu trúc của bản thuyết minh dự án còn thiếu hai nội dung quan trọng là đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra. Ông cho biết, đặc biệt quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải trong quá trình vận hành công trình, bởi trong vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra nghiêm túc.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa nêu, các phương án cụ thể do nhóm thiết kế đưa ra chưa hoàn toàn tương thích hoặc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Ông đề nghị, về tổng thể dự án cải tạo kiến trúc điểm dừng chân nên đi theo hướng kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái, thiết lập lối sống gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong lành, sạch đẹp theo tiêu chí phát triển bền vững.

“Trong tương lai, khu Công viên địa chất và danh thắng Mã Pì Lèng có thể còn xây dựng thêm các công trình kiến trúc mới đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như du lịch ở Hà Giang. Vì thế, dù là dự án cải tạo một công trình sai phạm, chúng ta vẫn nên tạo ra một “công trình mẫu” về thái độ ứng xử với môi trường, triết lý môi trường hay “đạo đức môi trường”…” - PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Ngoài các phương án đã nêu, PGS.TS Bài cho rằng, đơn vị tư vấn nên có thêm phương án mới tích hợp những ưu điểm đã có trong các phương án đã đề ra, để thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, khác biệt hoặc đột phá trong tư duy về kiến trúc xanh, tạo nên công trình kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, có bản sắc địa phương để tương lai nó sẽ được bảo vệ như là một “di sản”.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, phương án cải tạo công trình Panorama thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không có dịch vụ lưu trú qua đêm có thể nói là phù hợp với Quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn được Thủ tướng phê duyệt, cũng như sự tư vấn của chuyên gia UNESCO trước đó.

Tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, phương án cải tạo vẫn cần tiếp tục chỉnh sửa theo góp ý của chuyên gia. Theo đó, các kiến trúc sư được mời tham vấn ý kiến nhấn mạnh tới yếu tố tổng thể kiến trúc công trình phải thân thiện với cảnh quan, không lấn át cảnh quan, kiến trúc đại diện cho khu vực của đồng bào Mông sinh sống.

Được biết, Hà Giang yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục chỉnh sửa bản thiết kế, sau đó sẽ gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản văn hóa để xin ý kiến. 

Có thể bạn quan tâm