Sinh năm 1899 tại thị trấn Iida ở vùng nông thôn tỉnh Nagano, Minoru Shirota ngày từ nhỏ đã chứng kiến những hậu quả mà dịch bệnh để lại cho gia đình và người thân xung quanh.
Vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản vẫn là một quốc gia nghèo với môi trường vệ sinh yếu kém và nhiều thiếu sót trong nhận thức về dinh dưỡng. Dịch tả và kiết lị, những căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm khi đó đã thường xuyên cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Đây cũng là nguyên nhân chính đã thôi thúc thanh niên Minoru Shirota theo đuổi ước mơ tìm ra một loại thuốc có khả năng đẩy lùi và ngăn ngừa dịch bệnh.
Và để thực hiện điều đó, trong suốt 9 năm học tập tại trường y của Đại học Hoàng gia Kyoto (ngày nay là Đại học Kyoto), Minoru Shirota đã tiến hành vô số nghiên cứu về vi sinh vật để phát triển lĩnh vực y tế dự phòng.
Trong quá trình nghiên cứu, ông Shirota phát hiện ra rằng vi khuẩn axit lactic có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột. Đến năm 1930, khi nhận bằng tiến sĩ y khoa, ông đã nuôi cấy thành công và tăng cường một chủng vi khuẩn axit lactic có thể sống sót khi di chuyển đến ruột và củng cố sức khoẻ cho các cơ quan nội tạng. Chủng vi lợi khuẩn này được đặt tên là Lactobacillus casei Shirota.
THỨC UỐNG QUỐC DÂN CỦA NHẬT BẢN
Để có thể cung cấp vi lợi khuẩn Lactobacillus casei Shirota tới càng nhiều người càng tốt, ông Minoru Shirota đã phát triển một loại đồ uống lên men có hương vị ngon miệng và giá cả phải chăng, lần đầu tiên được ra mắt tại thành phố Fukuoka miền nam Nhật Bản dưới nhãn hiệu Yakult vào năm 1935.
Dù đã có một số điều chỉnh so với công thức ban đầu, nhưng đến nay các thành phần chính của Yakult vẫn bao gồm lợi khuẩn sống, sữa tách béo, xi-rô glucose-fructose, sucrose, hương cam quýt.
Khi cơ sở ở Fukuoka đi vào hoạt động, chính nhà sáng lập Minoru Shirota đã đến thăm khách hàng để giải thích về lợi ích sức khỏe của thức uống này. Những lời giới thiệu truyền miệng từ đó đã giúp mở rộng nhận thức về thương hiệu, trong khi một mạng lưới có tên là Hiệp hội Xúc tiến Chủng lợi khuẩn Shirota được thành lập trên khắp Nhật Bản để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Phát ngôn viên Hideki Maruyama từ bộ phận quan hệ công chúng của Yakult cho biết: “Trong những năm đầu ngay sau khi thành lập, sản phẩm Yakult nguyên bản được bán ra thị trường chủ yếu thông qua hình thức giao hàng đến trường học và nơi làm việc. Vài năm sau, một phiên bản pha loãng hơn ra mắt và bắt đầu giao hàng đến từng hộ gia đình riêng lẻ. Phản ứng ban đầu của người tiêu dùng là nó ngon và có vị ngọt dễ chịu. Lưu ý rằng đây là thời điểm mà đường là một mặt hàng có giá trị”.
Năm 1955, Viện Nghiên cứu Lợi khuẩn Shirota được thành lập tại Tokyo để thúc đẩy niềm đam mê y học dự phòng của nhà sáng lập. Ngày nay, nó được gọi là Viện Trung tâm Yakult.
Cũng trong năm 1955, công ty Yakult Honsha chính thức thành lập để giám sát mạng lưới bán hàng của công ty một cách chuyên nghiệp hơn.
Với sự thuyết phục về lợi ích của Yakult và thành công vang dội tại Nhật Bản, công ty bắt đầu khám phá các thị trường mới. Hoạt động quốc tế đầu tiên của Yakult là tại Đài Loan vào năm 1964. “Khi thâm nhập vào một thị trường mới, chúng tôi xem xét cẩn thận văn hóa, phong tục và các khía cạnh khác của xã hội tại đó. Bất kể ở quốc gia nào, cần có thời gian để truyền tải thông điệp và để khách hàng hiểu được giá trị của Yakult”, đại diện công ty chia sẻ.
Kể từ xưa, Yakult đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sản xuất và bán hàng tại địa phương. Do đó, tại thị trường nội địa, các sản phẩm Yakult được sản xuất tại 10 nhà máy trên khắp Nhật Bản, trong khi ở Hồng Kông, những chai sữa chua Yakult đến từ nhà máy ở quận Tai Po phía bắc thành phố.
Một đặc điểm độc đáo khác về thương hiệu Yakult, đó là sự xuất hiện của những quý cô Yakult (Yakult Lady) vào khoảng thời gian năm 1963. Đến nay, có khoảng 35.000 quý cô Yakult ở Nhật Bản làm công việc giao hàng tận nhà hoặc các văn phòng và nơi làm việc. Tại nước ngoài, gần 46.600 quý cô Yakult thực hiện các nhiệm vụ tương tự ở nhiều khu vực trong số 38 quốc gia lưu hành sản phẩm của công ty.
Khi đi bộ trên đường phố ở Rio de Janeiro, đi thang máy ở Singapore, hoặc băng qua quảng trường ở Mexico City, người tiêu dùng hoàn toàn có thể bắt gặp một quý cô Yakult trong trang phục lịch sự và khuyến khích người dùng thử một chai sữa chua Yakult nổi tiếng. Dù qua bao nhiêu năm, quý cô Yakult vẫn được nhớ đến với hình ảnh nụ cười tươi mang các sản phẩm bổ dưỡng từ Nhật Bản đến với người tiêu dùng.
Đến năm 1967, công ty quyết định chuyển từ chai thủy tinh sang chai nhựa cỡ nhỏ - bao bì vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Theo ông Hideki Maruyama, việc chuyển đổi này giúp cho việc vận chuyển số lượng lớn trở nên nhẹ hơn và loại bỏ nhu cầu thu thập các chai rỗng, mang lại kết quả tiết kiệm chi phí và doanh số bán hàng tăng đáng kể.
Kanako Hosomura, một bà nội trợ đến từ Yokohama, người luôn dự trữ những chai Yakult nhỏ màu hồng cam trong tủ lạnh cho con trai mình, chia sẻ: “Tôi lớn lên cùng hình ảnh những quý cô Yakult đạp xe qua khu phố và vẫy tay chào khi đám trẻ chúng tôi đi bộ đến trường. Họ giống như một kỉ niệm tuổi thơ vậy. Và tôi nghĩ nhiều người đều cảm nhận được sự yên tâm khi thấy rằng Yakult không thay đổi cách phân phối sản phẩm hay chạy theo xu hướng sau khi trở nên nổi tiếng”.
ĐẦU TƯ MỞ RỘNG VÀ KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển bổ sung là yếu tố giúp công ty mở rộng đáng kể phạm vi sản phẩm của mình, mặc dù đa phần các sản phẩm vẫn bắt nguồn từ khám phá ban đầu của ông Minoru Shirota - người đã qua đời năm 1982 ở tuổi 82.
Các phiên bản Yakult mới cập nhật hiện có ít calo hơn, trong khi một số khác kết hợp thêm sắt và canxi để tăng thêm lợi ích sức khỏe hoặc axit aminobutyric cho người bị huyết áp cao.
Danh mục sản phẩm của công ty đến nay đã đa dạng hóa sang cả sữa chua truyền thống, sữa đậu nành lên men, nước uống chức năng Bansoreicha giúp ngăn chặn sự hấp thụ đường và dòng nước tăng lực làm từ nhân sâm Toughman.
Vào năm 2018, ước tính có khoảng 39 triệu sản phẩm Yakult được tiêu thụ trên toàn thế giới mỗi ngày. 30 triệu trong số đó được tiêu thụ bên ngoài Nhật Bản, do chính các quý cô Yakult giao hàng hoặc mua qua 711.000 đơn vị phân phối các mặt hàng của công ty.
Đại diện công ty, ông Hideki Maruyama giải thích: “Một trong những thị trường nước ngoài thành công nhất của Yakult là Indonesia và chúng tôi tin rằng điều này là nhờ vào việc tuyển dụng, đào tạo tiêu chuẩn của các quý cô Yakult của chúng tôi”.
Hai trong số trong những thị trường mới, gần đây nhất của công ty là Myanmar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ở Myanmar, Yakult đã thành lập công ty con và cơ sở sản xuất ở ngoại ô thủ đô Yangon vào năm 2017. Còn tại UAE, một số văn phòng và chi nhánh đã mở cửa từ 2018 với kỳ vọng dựa vào Dubai làm đòn bẩy để mở rộng hoạt động sang các khu vực khác ở Trung Đông.
Ngoài thực phẩm, Yakult đã khéo léo sử dụng những nghiên cứu của nhà sáng lập Minoru Shirota về tác động tích cực của lợi khuẩn axit lactic trong việc bảo vệ da và màng nhầy. Cũng nhờ đó, công ty đã phát triển thêm một số chất dưỡng ẩm và mỹ phẩm, chọn lọc các chiết xuất từ đậu nành lên men cho đến hoa anh thảo-liễu Mexico. Những sản phẩm này thường được giới thiệu và tư vấn bởi các quý cô Yakult hoặc một số chuyên gia làm đẹp Yakult (Yakult Beauty Advisors).
Công ty cũng đã tham gia vào lĩnh vực dược phẩm, tập trung phần lớn nỗ lực vào mảng ung thư. Hai loại thuốc của Yakult đã được sử dụng rộng rãi để điều trị ung thư ruột kết, trong khi các loại thuốc khác được sử dụng rộng rãi để điều trị ung thư đường tiêu hóa.
Khi được yêu cầu nhận định những lý do chính khiến Yakult có được lượng khách hàng trung thành lớn như vậy trên toàn cầu, ông Hideki Maruyama chỉ ra ba yếu tố: “Đó là sự kết hợp giữa phát triển sản phẩm được hỗ trợ bởi nghiên cứu chế phẩm sinh học độc quyền, khả năng nghiên cứu và phát triển tiên tiến của chúng tôi và tất nhiên là cả kênh bán hàng độc đáo với các quý cô Yakult thân thiện, nhiệt tình”.
Cho đến ngày nay, cam kết của công ty đối với tầm nhìn và mục tiêu của nhà sáng lập vẫn luôn được giữ vững. Quan niệm của Minoru Shirota, sau này được nâng lên thành Học thuyết Shirota, hay còn có tên là Shirota-ism nằm gọn ở 13 chữ: “Kiện trường trường thọ, y học phòng ngừa và chi phí hợp lý".