Yêu cầu tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về vấn đề an toàn thực phẩm trong đó đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và tính nghiêm minh đối với các vi phạm của tổ chức, cá nhân.
Yêu cầu tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương từ xã đến tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm.

Về phía doanh nghiệp, sẽ tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an toàn thực phẩm, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia ngăn ngừa thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng.

Xử lý nghiêm theo pháp luật việc đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật An toàn thực phẩm, hoàn thành trong năm 2017. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm cho phù hợp và nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; chậm nhất tháng 11/2017 trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP, ISO22000…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông lâm thủy sản.

Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị.

Cùng với đó là phải đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh về an toàn thực phẩm, biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.

UBND các cấp tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; đưa nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa mới công bố, trong số 678.755 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…