Yêu cầu Ủy ban QLVNN tập trung xử lý kiến nghị của doanh nghiệp

Đường sắt trước nguy cơ phải ngừng hoạt động, 11.000 lao động không có tiền lương; Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng Cty Quản lý đường cao tốc (VEC) không có tiền duy tu, bảo trì đường cao tốc, sửa chữa đường băng…

Đó là những bất cập của những doanh nghiệp này khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN).

Doanh nghiệp mất quyền tự chủ

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt có thể phải dừng hoạt động chạy tàu toàn quốc với lý do cơ chế chính sách bất cập nên đơn vị chưa được giao ngân sách, khiến 11.000 lao động tuần đường, gác chắn không có tiền lương. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ của riêng ngành đường sắt mà cả hàng không và Tổng công ty Quản lý đường cao tốc (VEC) đều gặp khó khăn từ khi chuyển về Siêu ủy ban.

Cụ thể, sáng 20/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, trong số 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển sang Uỷ ban thì gặp khó khăn vướng mắc lớn nhất là đường sắt, hàng không và Tổng công ty Quản lý đường cao tốc (VEC).

Dẫn ví dụ về Tổng Cty Cảng Hàng không, ông Công cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thực hiện sửa chữa, nâng cấp, dẫn đến không thực hiện được.

Còn đối với lĩnh vực đường sắt, ông Công khẳng định, việc giao dự toán ngân sách để thực hiện công tác bảo trì, duy tu là rất quan trọng. Bộ cũng đã báo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục tục giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đến năm 2025.

Thừa nhận, việc chưa giao dự toán vốn bảo trì là việc chưa có tiền lệ từ trước đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, song ông Công khẳng định: Bộ GTVT phải làm việc theo pháp luật. “Chúng tôi phải thực hiện theo đúng pháp luật. Chúng tôi không thể vận dụng những gì mà pháp luật không quy định để rồi phải chịu rủi ro. Chúng tôi phải thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Công nhấn mạnh lại.

Đường sắt Việt Nam trước nguy cơ phải ngừng hoạt động

Theo ông Đậu Văn Long, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường sắt Hà Ninh: Những năm trước, tới tháng 12 hằng năm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho năm tiếp theo (gồm duy tu, bảo dưỡng, tuần đường, gác chắn...). Đây là cơ sở để các đơn vị nghiệm thu sản lượng công việc, ứng tiền trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về Siêu ủy ban, năm 2020, tiền duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt từ ngân sách nhà nước không chuyển về VNR nữa, dẫn tới tổng công ty không có kinh phí để ký hợp đồng với các đơn vị bên dưới.

Theo ông Long, hiện tại, đơn vị có hơn 600 lao động, chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, gác chắn đoạn đường sắt dài khoảng 130km, từ Thường Tín (Hà Nội) tới Thanh Hóa. Mỗi tháng chi phí tiền lương cho người lao động khoảng 5 tỷ đồng, chưa kể bảo hiểm xã hội.

“Tình trạng này cũng chỉ có thể kéo dài tới hết tháng 3, nếu không được giải quyết, chúng tôi cũng chưa biết lấy tiền đâu để duy tu đường, trả lương cho anh em”, ông Long lo lắng.

Đường sắt Việt Nam trước nguy cơ phải ngừng hoạt động do thiếu vốn

Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, từ tháng 11/2018, quyền đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban QLVNN. Từ đó tới nay, VNR gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Trước đây, khi còn thuộc Bộ GTVT, từ tháng 11 đến tháng 12 của năm trước, bộ GTVT đã giao dự toán ngân sách để duy tu đường sắt cho VNR. Từ đó, VNR ký hợp đồng đặt hàng công việc năm tiếp theo cho 20 công ty thành viên.

Do không còn thuộc Bộ GTVT, nên từ ngày 1/1/2020, VNR không được giao dự toán ngân sách duy tu đường sắt năm 2020 và không thể ký hợp đồng với các đơn vị thành viên. Trong khi đó, các công ty con vẫn phải đảm bảo an toàn chạy tàu, duy tu, bảo dưỡng, gác chắn... và trả lương cho người lao động.

Theo ông Vũ Anh Minh, mỗi tháng, 20 công ty thành viên của VNR đảm nhận duy tu đường sắt cần 200 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện công việc đã giao như chi phí vật tư, thiết bị, trả lương. Trong khi đó, vốn của doanh nghiệp này chỉ từ 10 đến 20 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản.

“Nếu những đơn vị này không thực hiện các công việc như năm trước sẽ buộc phải dừng tàu. Việc tổng công ty dùng mệnh lệnh hành chính, đơn vị thành viên vẫn phải đảm bảo an toàn chạy tàu là sai (phải ký hợp đồng - PV), nhưng vẫn phải chỉ đạo. Nếu từ nay tới hết tháng 3/2020 tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu, vì không đảm bảo an toàn. Đây là việc hết sức cấp bách,” ông Minh nói.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục (đứng) yêu cầu Ủy ban QLVNN tập trung xử lý kiến nghị của doanh nghiệp

Yêu cầu Ủy ban QLVNN tập trung xử lý kiến nghị của doanh nghiệp

Trước thực trạng trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục yêu cầu VNR trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn, để hoạt động chạy tàu thông suốt. Theo ông Lục, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển VNR từ Ủy ban về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị Ủy ban QLVNN tập trung xử lý các nhiệm vụ trong thời hạn quy định, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các bộ ngành chức năng cũng cần khẩn trương giải quyết các kiến nghị của Ủy ban và các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. “Khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới”, ông Lục cho biết.

Uyên khanh - Thanh Bút

Có thể bạn quan tâm