Cụ thể, UBND TP. HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xem xét, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng đối với các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ theo quy định. Mặt khác, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn theo quy định.
UBND thành phố cũng Giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện công tác bàn giao tài sản cho đơn vị chức năng được phân cấp quản lý bảo tồn theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP đã đề nghị giữ lại một phần cầu đường sắt Bình Lợi, gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn, thuộc quận Thủ Đức và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) do có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu cũng nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành Đường sắt và phát triển ngành Du lịch trên địa bàn TP.
Cầu xe lửa Bình Lợi cũ là cây cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Từ năm 1960 trở về trước cầu Bình Lợi là gạch nối duy nhất nối Sài Gòn với Gia Định.
Cầu Bình Lợi được hãng thầu Levalllois Perret (Pháp) thi công xây dựng, dài 276m gồm 6 nhịp. Mỗi khi xe lửa qua cầu, xe cơ giới đều bị chặn lại ở hai đầu cầu. Khi được lưu thông, một bên dừng một bên chạy. Cầu có đường hành lang cho khách bộ hành.
Ðặc biệt, cầu xe lửa này có một nhịp dầm quay bằng hệ thống bánh răng đưa dầm cầu thẳng lên 90 độ. Nhịp quay nằm ở phía Thủ Ðức do lòng sông sâu để tàu bè chở hàng có thể qua lại.