ĐCHĐ Vietcombank: Mục tiêu lợi nhuận 13.300 tỷ, áp lực “dọn dẹp” nghìn tỷ nợ xấu trên sổ sách

Năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỷ lục 13.300 tỷ đồng, cải thiện các chỉ tiêu tài chính, xử lý nợ xấu… Kỳ họp này cũng bầu lại nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 5 năm tới.
ĐCHĐ Vietcombank: Mục tiêu lợi nhuận 13.300 tỷ, áp lực “dọn dẹp” nghìn tỷ nợ xấu trên sổ sách

Ông Trương Gia Bình vào Thành viên HĐQT độc lập

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng. Đây là kỳ họp bản lề của giai đoạn 2018-2023, theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ trình lên ĐHCĐ xem xét thông qua chiến lược kinh doanh trong 5 năm tới. Cùng với đó, ngân hàng sẽ tiến hành bầu lại các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2018-2023…

Theo tờ trình, HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 sẽ bầu 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.

Danh sách ứng viên sẽ bầu vào HĐQT gồm: ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, ông Phạm Quang Dũng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Mỹ Hào, Phạm Anh Tuấn, Eiji Sasaki, Hồng Quang. Ứng viên đáng chú ý là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT lần đầu tham gia ứng cử vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập.

ĐHCĐ sẽ tiến hành bầu Ban kiểm soát mới gồm 4 người: bà Trương Lệ Hiền, La Thị Hồng Minh, Đỗ Thị Mai Hương, Vũ Thị Bích Vân.

Mục tiêu lợi nhuận 13 nghìn tỷ, “dọn dẹp” nhanh nợ xấu

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 14%, huy động vốn tăng 15%, tín dụng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 13.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017.

Kế hoạch này được đưa ra sau khi Vietcombank ghi nhận sự tăng trưởng khá cao trong hoạt động kinh doanh năm 2017. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng hơn 31% lên mức 1.035.293 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 52.558 tỷ đồng. Huy động vốn từ nền kinh tế (gồm giấy tờ có giá) đạt 726.734 tỷ đồng, tăng trưởng gần 21%; Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17,93% đạt 543.434 tỷ đồng.

Năm qua, Vietcombank cho hay đã cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,11%, tương ứng hơn 6.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đột biến gấp gần 3 lần so với năm trước, lên 3.584 tỷ đồng. Còn nợ nhóm 3 và 5 giảm mạnh gần một nửa, lần lượt còn 684 tỷ đồng và 1.940 tỷ đồng. Tính chung, quy mô nợ xấu đã giảm được 700 tỷ đồng so với năm trước và ngân hàng đã thu hồi nợ ngoại bảng được 2.180 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc cơ cấu lại dư nợ trên sổ sách theo hướng chuyển nhóm nợ ít xấu hơn, nhất là nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn giảm khoảng 2.275 tỷ đồng đã giúp Vietcombank “bỗng dưng” có thêm cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận nhờ giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro. Lần đầu tiên ngân hàng cán mốc lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 8.849 tỷ đồng.

Chưa hết, đến cuối năm 2018, Vietcombank ghi nhận số dư quỹ dự phòng rủi ro hơn 8.113 tỷ đồng với tỷ lệ DPRR/nợ xấu duy trì ở mức cao 130,7%. Đây chính là nguồn lợi nhuận tích tụ hàng năm mà ngân hàng phải dành để dự phòng rủi ro nợ xấu, nói cách khác hơn 8.113 tỷ đồng lợi nhuận – xấp xỉ bằng lãi của cả năm 2017 - đang bị “chôn” một chỗ do chưa xử lý được hết nợ xấu.

Ngoài ra, năm qua Vietcombank đã xử lý toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC sớm trước 3 năm. Số nợ thu hồi ngoại bảng trong 5 năm (2013-2017) đạt trên 9.700 tỷ đồng.

Chia cổ tức 8% tiền mặt

Mặc dù năm qua lãi đậm sau thuế 8.849 tỷ đồng nhưng HĐQT đã chỉ trình ĐHCĐ trích lập các loại quỹ, trả thù lao… tới 2/3 lợi nhuận được phép phân phối. Còn lại mới chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt, tương ứng số tiền chi cổ tức dự kiến là 2.878 tỷ đồng. Giải thích về tỷ lệ cổ tức 8% là thấp, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, các năm qua vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên đáng kể nên số tiền chi trả cổ tức giảm đi dù lợi nhuận có tăng trưởng hàng năm.

Tại kỳ họp năm nay, Vietcombank không trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, hiện ngân hàng có mức vốn 35.977 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank cho biết đã được Chính phủ và NHNN phê chuẩn phương án tăng vốn cấp I với quy mô tương đương 10% vốn điều lệ và sẽ triển khai tăng vốn trong năm 2018. Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết quỹ GIC của Singapore là một trong những khách hàng tiềm năng của đợt chào bán riêng lẻ này. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, cổ đông nước ngoài hiện đang sở hữu 15% cổ phần Vietcombank sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Nhưng quan điểm là giá bán cổ phần sẽ không thấp hơn giá thị trường".

Trong giai đoạn 2018 – 2023, Vietcombank kỳ vọng tăng trưởng tổng tài sản 13%/năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 16%/năm; huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%/năm và kiểm soát nợ xấu tối đa 1%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 15%; tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II 9%.

Thoái vốn khỏi MBB và Eximbank 

Tại đại hội, cổ đông chất vấn HĐQT về việc thực hiện thoái vốn tại các ngân hàng khác, trong đó có thoái vốn tại MBB và Eximbank. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, “ngân hàng đã thực hiện thoái vốn 3 tổ chức tín dụng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định Thông tư 36. Còn tại MB và Eximbank, ngân hàng sẽ điều chỉnh tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% khi thị trường chứng khoán tới đây thuận lợi hơn”.

Chia sẻ về chất vấn định hướng M&A, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, ĐHCĐ các năm trước đã đồng ý chủ trương giao HĐQT tìm kiếm cơ hội để M&A. Song đến thời điểm này, nội dung này vẫn chưa có đối tác để thực hiện. Còn về việc hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng CB Bank (trước là VNCB), Vietcombank chỉ dừng ở việc hỗ trợ về nhân sự và kỹ thuật cho ngân hàng yếu kém này.

>> Vietcombank cho vay "đảo nợ", thẩm định thiếu chính xác

Có thể bạn quan tâm