VAMC rao bán khoản nợ 145 tỷ đồng của Bia rượu Eresson

Bia rượu Eresson lỗ lũy kế gần 200 tỷ đồng chỉ tính đến cuối năm 2016. Công ty mẹ Eresson là đơn vị thầu các dự án nhà máy bia sữa, nhưng lại nhận trái đắng khi bước vào ngành kinh doanh bia rượu.
VAMC rao bán khoản nợ 145 tỷ đồng của Bia rượu Eresson

Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson với tổng giá trị khoản nợ tính đến cuối tháng 8 xấp xỉ 277 tỷ đồng và 210.000 EUR, tương đương 5,6 tỷ đồng.

Trong đó, riêng tiền nợ gốc là gần 141 tỷ đồng và 128.484 EUR. Giá khởi điểm dự kiến để bán khoản nợ này là 145 tỷ đồng.

Một trong các tài sản đảm bảo cho khoản vay này quyền sử dụng đất và tài sản tại 134 Cầu Giấy với diện tích đất 726,3 m2. Khu đất này cũng đồng thời là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của Chủ tịch công ty và hiện được một hãng thời trang thuê để làm mặt bằng kinh doanh.

Tài sản thế chấp thứ hai là tài sản trên đất nhà xưởng và máy móc thiết bị, xe ô tô,... hình thành trong tương lai của Dự án nhà máy rượu, bia tại lô 46 Khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội nằm trên diện tích 26.928 m2.

Eresson, từng trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp mà cụ thể là cung cấp dây chuyền cơ khí cơ điện lạnh cho các dự án Nhà máy.

Doanh nghiệp này từng thực hiện Dự án chế tạo và lắp đặt đồng bộ nhà máy sữa TH true Milk tại Nghệ An, cung cấp trọn gói từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt và chuyển giao công nghệ sản xuất rượu bia ở một số dự án như nâng cấp công suất nhà máy bia Dung Quất, nhà máy HEINEKEN Hà Tây, nhà máy Heineken Vũng Tàu - giai đoạn 1 và chế tạo và lắp đặt đồng bộ nhà máy bia Sài Gòn - Phú Thọ, nhà máy sữa TH Truemilk Nghệ An...

Thế mạnh trong xây dựng các dây chuyền nhà máy bia rượu cũng là lý do Eresson đầu tư một Nhà máy bia rượu tại khu công nghiệp Quang Minh – Hà Nội (tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng) và thành lập Bia rượu Eresson từ năm 2007 với tỷ lệ góp vốn 100%.

Bia rượu Eresson là đơn vị trực tiếp đi vay từ BIDV. Kết quả kinh doanh năm 2016 cũng như mức độ phủ thực tế sản phẩm của doanh nghiệp này cho thấy việc chuyển sang một ngành nghề khác dù có liên quan nhưng không phải nghề chính đang mang lại "trái đắng" cho Eresson.

Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, trong khi lãi vay phải trả đều đặn hàng năm hơn 18 tỷ đồng. Con số tài chính xác định nghĩa vụ là vậy nhưng tiền lãi vay đã trả thực tế là 0 đồng. Lỗ liên tục các năm khiến lỗ lũy kế của Bia rượu Eresson xấp xỉ 196 tỷ đồng.

Một biến động đáng chú ý của doanh nghiệp này hồi năm 2016 là khoản vốn điều lệ được góp thêm, tăng từ 139 tỷ đồng lên 419 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nợ vay dài hạn đã giảm được 86 tỷ đồng. Công ty mẹ nhiều khả năng đã phải góp thêm vốn để giúp Bia rượu Eresson trang trải khoản nợ.

Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp này là hàng tồn kho, gần 295 tỷ đồng vào cuối năm 2016, trong khi giá vốn hàng bán mỗi năm chỉ loanh quanh 4 tỷ đồng. Tính toán theo số liệu này, thời gian bình quân bán hàng tồn kho của Bia rượu Eresson lên tới hơn 21.900 ngày để xử lý toàn bộ tồn kho.

Báo cáo KQKD của Bia rượu Eresson năm 2016

Khoản nợ của Bia rượu Eresson này thực tế đã được BIDV chuyển lại cho VAMC từ năm 2015 theo hợp đồng ủy quyền. VAMC rao bán với kỳ vọng chỉ cần thu hồi được gốc. Còn theo hợp đồng vay, Bia rượu Eresson sẽ phải trả tiếp cho chủ nợ khoản lãi 137 tỷ đồng và 82.000 EUR tiền lãi gồm lãi trong hạn và quá hạn.

Theo Bizlive

Có thể bạn quan tâm