Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, thị trường vận tải hàng không đang có tín hiệu phục hồi nhanh hơn dự báo. Tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn gặp thách thức lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực đã xảy ra từ đại dịch Covid - 19 khiến động cơ, phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng máy bay vẫn thiếu.
Hiện nay, thế giới có hơn 3.500 máy bay bị ảnh hưởng do vấn đề liên quan đến động cơ Pratt&Whitney sử dụng trên các dòng máy bay A321, A320 neo.
Trong đó, Vietnam Airlines có 24 động cơ này khiến Vietnam Airlines có 12 máy bay A321 (thuộc đội bay thân hẹp gần 60 chiếc của hãng) phải dừng bay để kiểm tra trong năm 2024.
Một động cơ máy bay Airbus A350 trước đây cần 100 - 120 ngày để bảo dưỡng, nhưng hiện cần đến 250 - 300 ngày. Việc này làm năng lực khai thác đội tàu bay thân hẹp của hãng giảm đến 20%.
Do đó, Vietnam Airlines phải tập trung giải pháp quản trị để khai thác ổn định, hiệu quả hơn với đội máy bay hiện tại nhằm tăng năng suất, bù đắp thiếu hụt tải cung ứng khi nhiều máy bay đưa vào bảo dưỡng.
Liên quan đến vấn đề nới trần giá vé máy bay, ông Hà cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn kiểm soát giá trần, giá sàn đối với vé máy bay.
Từ ngày 1/3, giá trần vé máy bay nội địa sẽ tăng trung bình 3,75% so với giá trần được áp dụng từ năm 2015. Đây cũng là lần điều chỉnh sau gần 10 năm giữ nguyên trần giá vé vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Việc điều chỉnh giá trần là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp được chi phí đầu vào của hàng không, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá tăng mạnh trong gần 10 năm qua.
Đồng thời, giá trần vé máy bay nội địa tăng cũng là cơ hội để các hãng điều chỉnh dải giá trên các đường bay nội địa.
Với Vietnam Airlines, khi được nới giá trần, hãng có cơ hội tiếp tục đầu tư chất lượng dịch vụ ở những phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao và là cơ hội để hãng hàng không kéo được mức giá xuống thấp hơn để có thể phục vụ được nhu cầu của hành khách ở những phân khúc có khả năng chi trả thấp hơn.
Không những vậy, trong những giai đoạn thấp điểm của thị trường có thể có nhiều chương trình khuyến mại hơn. Điều này để đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng hàng không cũng như của khách hàng đi máy bay cũng như chính sách chung của nhà nước.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ tăng trần giá vé máy bay.
Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều), đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều), đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).