13 ngày mẹ lái xe máy đưa con 5 tuổi phượt Tây Bắc

Gần nửa tháng cùng con gái nhỏ khám phá vùng núi Tây Bắc bằng xe máy đã để lại cho chị Trang nhiều kỷ niệm khó quên.

"Du lịch khám phá hay đi phượt vốn là sở thích của tôi từ lâu. Trước đây khi con còn nhỏ, tôi tạm gác lại sở thích du lịch để chăm sóc con. Khi bé lớn hơn, hai mẹ con tiếp tục với đam mê xê dịch", chị Nguyễn Thanh Trang (30 tuổi, Đăk Nông) chia sẻ về hành trình đến vùng núi phía Bắc cùng con gái 5 tuổi Lê Nguyễn Tú Uyên từ 30/1 đến 12/2.

Tổng hành trình là 5.650 km, từ quê Đăk Nông ra Hà Nội bằng máy bay sau đó thuê xe máy qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Chị Trang và con gái ngắm cảnh đèo Ô Quy Hồ.

Trang cho biết điều chị lo lắng nhất là vấn đề thời tiết. Trước khi đi, chị đã tìm hiểu những nơi dự định qua rồi mới lên kế hoạch và chọn thời điểm thích hợp. "Dù đam mê du lịch đến mấy, tôi cũng phải đặt sức khỏe của con lên đầu", chị Trang nói. Trong lần đi khám phá Đông Bắc tháng 6/2022, Tú Uyên tỏ ra hào hứng và ngoan ngoãn trong suốt hành trình nên chị yên tâm cho chuyến đi lần này.

Với hành lý gồm một vali 12 kg và một balô nhỏ, cùng chiếc xe máy thuê từ Hà Nội, chị Trang và bé Uyên bắt đầu hành trình Tây Bắc với cung đường đầu tiên Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La). Hai mẹ con đã đi qua đập thủy điện, đèo Đá Trắng ở Hòa Bình, trải nghiệm cung đường chữ S Vân Hồ, đến cửa khẩu Lóng Sập, cột mốc biên giới Việt - Lào, chụp ảnh ở cánh đồng hoa cải, vườn mận, ghé thăm Hang Táu và thác Nàng Tiên ở Mộc Châu.

Những ngày đầu tiên của chuyến hành trình diễn ra suôn sẻ nhờ thời tiết thuận lợi, lại đúng thời điểm hoa mận, hoa cải vàng ở Mộc Châu vào mùa nên hai mẹ con đã có được những tấm hình ưng ý. Chị Trang cho biết Tú Uyên thích nhất Mộc Châu vì ở đây có nhiều động vật và hoa cỏ. "Bé thích ngắm cảnh đẹp giống mẹ, nhưng thích hơn là được chơi đùa, đuổi bắt lợn, gà ở Hang Táu", chị Trang nói. Nhìn con gái hồn nhiên, thích thú tận hưởng thiên nhiên, người làm mẹ như chị cảm thấy mệt nhọc sau những quãng đường dài được gạt bỏ hết.

Hai mẹ con chụp ảnh tại Thủy điện Hòa Bình.

Đến Tà Xùa, chị đã đưa Tú Uyên đi săn mây trên đỉnh gió, mỏm cá heo, chụp ảnh ở cây cô đơn. Vì bé còn nhỏ, để đảm bảo an toàn nên chị bỏ qua địa điểm sống lưng khủng long và tiếp tục di chuyển đến TP Sơn La.

Điện Biên là điểm dừng chân trong những ngày tiếp theo của hai mẹ con. Đây vừa là nơi có những cung đường đẹp nhất trong hành trình của chị Trang, cũng là nơi để lại cho chị kỷ niệm khó quên. Hai mẹ con vừa hào hứng với cảnh đẹp trên đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và Pha Đin, nhưng cũng suýt phải ngủ lại nhà dân ở đoạn đường 45 km từ Mường Tùng tắt ngang qua rừng để đi Mường Lay.

Ngày hôm đó sau khi leo cực Tây A Pa Chải về, chị chọn đoạn đường tắt, giảm được khoảng 20-30 km. Điều chị Trang không lường được là ở trong núi, trời tối nhanh và đường xấu với nhiều đá dăm. Đi được khoảng 15 km, chị bị ngã xe nhưng không bị chấn thương nặng. "Lúc đó mình đã mường tượng ra rất nhiều thứ. Có gặp cướp không? Có hỏng xe không? Có hết xăng giữa đường không?", chị Trang nhớ lại.

Chị đã nghĩ đến phương án xin ngủ nhờ lại nhà dân do điện thoại sắp hết pin, khu vực đó lại không có sóng và mạng internet. Nhưng khi đi thêm khoảng 5 km, điện thoại có sóng trở lại, chị tra được bản đồ ra đường lớn và gặp được công an, giúp chỉ đường về Mường Lay.

"Đây là đoạn đường làm mình cảm thấy mệt và sợ nhất. Nhưng lúc đó phải dặn mình gan dạ để còn bảo vệ con gái", chị Trang nói.

Cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu) sát biên giới với Lào.

Trong chuyến đi, chị và Tú Uyên đã trải nghiệm gần hết các loại dịch vụ lưu trú từ homestay, nhà nghỉ cho đến cả khách sạn cao cấp, ăn các món ăn đặc sản ở từng địa phương như: thịt trâu gác bếp ở Mù Cang Chải, cá nướng ở Trạm Tấu, lẩu cá tầm ở Sapa.

Sau hai chuyến đi cùng con gái, chị Trang rút ra được một số kinh nghiệm để đưa con nhỏ đi du lịch vui vẻ và an toàn. Đầu tiên là không bắt ép con ăn uống trong chuyến đi để bé thoải mái tinh thần, đồng thời luôn chuẩn bị sẵn sữa và bánh ngọt để phòng khi bé đói. Mang theo đầy đủ các loại thuốc cần thiết như tiêu chảy, hạ sốt, dị ứng, thuốc chống côn trùng, bông gạc, dầu gió, thuốc say xe. Trang phục thì tùy thuộc vào thời tiết để chuẩn bị, có cả đồ ấm và mát cho trẻ vì đa số các nơi ở vùng núi phía Bắc ngày có thể nắng nóng nhưng tối nhiệt độ xuống thấp, bé nhỏ dễ bị lạnh.

Có kinh nghiệm 8 năm làm hướng dẫn viên ở khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc, anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, Sơn La) cho biết rất ít trường hợp đưa con nhỏ đi phượt bằng xe máy dài ngày như chị Trang. Đa phần trẻ nhỏ sẽ được gia đình đưa đi bằng xe khách, ôtô riêng để đảm bảo sức khỏe.

"Bản thân tôi đánh giá cao sự dũng cảm và chu đáo của người mẹ khi đưa bé 5 tuổi đi du lịch dài ngày bằng xe máy mà vẫn đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ nhỏ sức đề kháng chưa tốt, vùng núi phía Bắc lại là nơi có thời tiết khắc nghiệt, nên cân nhắc trước khi đưa trẻ đi trải nghiệm. Hơn nữa, đường đèo núi khó đi, người cầm lái là nữ, nên có người đi cùng để đảm bảo an toàn, xử lý sự cố kịp thời", anh Tùng nói.

Kết thúc hành trình 13 ngày khám phá Tây Bắc, chị Trang thấy mãn nguyện vì đã cùng con gái chinh phục các điểm đến thành công mà không gặp sự cố nghiêm trọng nào. Chị mong cùng con đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam và chụp một bộ ảnh kỷ niệm để "sau này khi lớn lên, con sẽ nhớ đến một tuổi thơ thật hoành tráng".

Có thể bạn quan tâm