Cụ thể, gần 136 triệu cổ phiếu ACG sẽ có phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM vào ngày 27/9 và chính thức bị hủy đăng ký giao dịch ngày 28/9.
Trước đấy vào 25/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã có quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu ACG trên sàn HoSE.
CTCP Gỗ An Cường (ACG), tiền thân là Công ty TNHH Thương mại An Cường, được thành lập năm 1994. Gỗ An Cường là nhà sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu décor hàng đầu Việt Nam, với 23 showroom trên toàn quốc cùng với hệ thống đại diện nước ngoài ở nhiều quốc gia như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia.
ACG hiện nắm giữ hơn 55% thị phần vật liệu trang trí nội thất và vật liệu décor thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp tại Việt Nam.
Về cơ cấu cổ đông, Gỗ An Cường có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam (50%), Quỹ đầu tư Whitlam Holding Pte Ltd đại diện cho liên doanh VinaCapital và DEG (18,06%) và Sumitomo Forestry (Singapore) Ltd (19,6%).
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam ông Lê Đức Nghĩa được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Gỗ An Cường từ năm 2014.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Gỗ An Cường là 1.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 278,7 tỷ, tăng 12% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành lần lượt 45,4% và 50,7% kế hoạch năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, Gỗ An Cường đăng ký giao dịch 87,6 triệu cổ phiếu ở sàn UPCoM vào 4/8/2021 với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP (giá chưa điều chỉnh).
Đầu năm nay, doanh nghiệp tiến hành chào bán 4,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP để bổ sung vốn lưu động cũng như thỏa điều kiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE.
Tới tháng 4, công ty tiếp tục phát hành hơn 44 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, qua đó tăng vốn lên 1.358 tỷ đồng như hiện nay.
Cổ phiếu ACG khởi đầu năm 2022 ở mức giá 67.260 đồng/CP, sau đấy chủ yếu đi ngang, giao dịch trong khoảng từ 67.000-70.000 đồng/CP.
Tạm chốt phiên sáng 20/9, thị giá ACG giảm 0,3% về mức 69.000 đồng/CP, tương đương vốn hóa 9.440 tỷ đồng.