Cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam vừa gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng về việc đề xuất “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Cụ thể, 14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Thực phẩm minh bạch; Da giày - Túi xách Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Lương thực thực phẩm TP.HCM; Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Các hiệp hội này phản ánh chi phí xét nghiệm Covid-19 hiện rất lớn do giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Do đó, đề xuất với Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh; kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá. Tổ chức y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của doanh nghiệp sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Lãnh đạo các hiệp hội cũng đề xuất với Chính phủ cho phép công dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội, trừ hoạt động tập trung đông người khi có có xét nghiệm âm tính; xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm mũi 1, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.
Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động khai báo của mình; thống nhất sử dụng 1 phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch trên toàn quốc; yêu cầu, quy định phòng chống dịch phải được thực hiện online.
Đối với hoạt động tổ chức sản xuất, các hiệp hội đề xuất Chính phủ trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa các doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/ bộ phận riêng biệt. Các tỉnh, thành phố cần thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để thực hiện quá trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, các hiệp hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách.
Với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, 14 hiệp hội kiến nghị cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng, đồng thời gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn sự hỗ trợ để lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch tại các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp.