Theo Tổ thường trực Hội đồng đánh giá rủi ro an ninh hàng không quốc gia, các vụ liên quan đến giấy tờ đi lại trên chuyến bay quốc tế có xu hướng gia tăng từ năm 2022 đến nay.
Tại Việt Nam, năm 2020 có 506 trường hợp, năm 2022 có 404 trường hợp, năm 2023 có 886 trường hợp và trong 2 tháng đầu năm 2024 có 217 trường hợp.
Riêng năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 có rất ít chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam nên chỉ có 5 trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh.
Việc hành khách bị từ chối nhập cảnh tại các sân bay Việt Nam xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây chủ yếu do khách quốc tế đến Việt Nam nhưng không có visa.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, việc gia tăng các trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh gây thiệt hại cho hãng vận chuyển, tạo áp lực lên cảng hàng không. Đồng thời, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh, an toàn, trật tự tại cảng hàng không, trên máy bay.
Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam về việc kiểm soát giấy tờ đi máy bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.
Các hãng cần thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến hành khách đi máy bay, các công ty lữ hành liên quan về các quy định đối với giấy tờ đi máy bay.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị nhà chức trách, lực lượng chức năng kiểm soát giấy tờ đi máy bay của quốc gia nơi máy bay xuất phát (trước khi bay đến Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của hành khách, hạn chế đến mức tối thiểu các trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam do nguyên nhân giấy tờ đi máy bay.
Theo quy định, hãng hàng không chở khách đến phải chịu trách nhiệm đưa khách trở về sân bay xuất phát khi khách không được nhập cảnh.
Việc vận chuyển hành khách bị từ chối nhập cảnh gây khó khăn, phát sinh chi phí cho hành khách lẫn hãng hàng không khi hãng hàng không vận chuyển khách đến phải mua vé cho hành khách trở lại sân bay xuất phát, trong trường hợp hành khách không chịu mua vé hoặc không còn tiền để mua vé trở về.