Mới đây, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết, tại đây có tổng số 37 dự án đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn ban đầu dự kiến trên 10.690 tỷ đồng; trong đó, có 13 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh; 24 dự án đang trong quá trình triển khai, chưa đưa vào hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Đối với 24 dự án đang triển khai, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ theo quy định. Hiện nay, một số đơn vị đã được gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ đầu tư; các đơn vị còn lại đang liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Kế hoạch Đầu tư để được xem xét giải quyết theo quy định.
Hiện đã có 3 dự án đầu tư bị thu hồi là khu nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế của Công ty cổ phần Đất Việt – VP; Làng văn hóa A.P.U của Công ty cổ phần Hoàng Gia Sài Gòn Đà Lạt và Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Đà Lạt của Công ty cổ phần Vinpearl.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương cho Công ty Green Valley tài trợ quy hoạch cho Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Đà Lạt.
Một số đơn vị đã được gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ đầu tư; các đơn vị còn lại đang liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đầu tư với mục đích kinh doanh bất động sản, không thực hiện đúng mục tiêu đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như quy hoạch chung đã được phê duyệt của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Một số nhà đầu tư tiềm lực tài chính yếu dẫn đến tình trạng thực hiện dự án cầm chừng.
Theo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm là sự thay đổi khi các luật mới ra đời (Luật Du lịch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Lâm nghiệp…); Chính phủ chủ trương dừng khai thác tận dụng lâm sản đối với rừng tự nhiên vào năm 2016), ảnh hưởng đến việc các dự án đầu tư không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể thực hiện khai thác tận dụng lâm sản.
Cùng đó, thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đây thực hiện ở cấp tỉnh, theo luật mới phải thực hiện ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thủ tục hành chính cần mất nhiều thời gian.
Đồng thời, hạ tầng cơ sở dùng chung của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm phát triển chưa đồng bộ; chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt đến chân dự án cho các nhà đầu tư, còn vướng một số trường hợp giải phóng mặt bằng; hệ thống xử lý nước thải chưa vận hành; hệ thống thu gom rác thải; hệ thống viễn thông cần được nâng cấp; thời gian hoạt động của hệ thống điện chiếu sáng công cộng còn hạn chế...
Tại buổi làm việc ngày 15/3 giữa Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp với ban lãnh đạo và tập thể viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian 3 tháng, toàn thể cán bộ Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm phải quán triệt các văn bản liên quan đến cơ chế, chức năng, quyền hạn, thẩm quyền, phối hợp, kiểm tra, giám sát…; kiện toàn cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy, phân công sắp xếp lại vị trí làm việc theo năng lực…; có kế hoạch đào tạo và tự đào tạo, nâng cao trình độ; thực hiện cuộc cách mạng về phương pháp và lề lối làm việc, lấy kết quả làm thước đo năng lực.