Nền kinh tế phát triển ổn định, nguồn vốn FDI đổ vào đầu tư bất động sản gia tăng là một động lực duy trì đà phát triển của thị trường địa ốc.
Nền kinh tế ổn định
Trong năm 2018 và đầu năm 2019, nền kinh tế Việt Nam liên tục đón nhận những tin tức khả quan: GDP cả nước đã giữ đà tăng trưởng, đạt 6,88% trong quý 3/2018, và nằm trong số những những nền kinh tế phát triển tốt nhất thế giới. Việt Nam đã có những bước phục hồi ấn tượng sau năm 2007. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, đây là mức cao nhất trong 10 năm qua.
9 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 34% GDP. Chỉ số ICOR được tính lấy tỷ lệ đầu tư chia cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 là 4,88 lần. Một mức khá thấp so với nhưng năm trước nhưng nếu so với nhiều quốc gia khác thì hệ số ICOR của Việt Nam đang rất cao.
FDI tiếp tục tăng nhanh, kiều hối đạt mức kỷ lục, đồng thời dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao nhất, hỗ trợ tích cực cho đồng Việt Nam. Tổng vốn đầu tư FDI chiếm đến 20 -25% tổng đầu tư của nền kinh tế. Đây là mức khá cao so với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Vốn FDI tháng 11 năm 2018 đăng ký vào bất động sản lên đến 6 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đăng ký.
Nhiều công ty lớn về bất động sản ra dự án trong năm 2019 ở phân khúc tầm trung
Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan. Chủ đầu tư bất động sản uy tín như Vingroup, Khang Điền, Nam Long, ngay đầu năm 2019 đã bắt đầu chuẩn bị nhiều hạng mục phát triển các dự án tầm trung, phù hợp với nhu cầu ở thực tại các khu vực được quy hoạch để phát triển đô thị thông minh như khu Đông tại TP.HCM và quận huyện vùng ven phía Tây Hà Nội.
Bên cạnh đó, phân khúc nhà tầm trung tại các khu vực phía Đông thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển khi TP.HCM đã công bố sự giới hạn về việc cấp phép phát triển dự án đăng ký mới trong "Chiến lược phát triển nhà ở tới năm 2020", tuy nhiên chỉ giới hạn cho những dự án xin cấp phép mới. Những dự án phát triển đã được phê duyệt và trong quy hoạch vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Như vậy, chúng ta cũng hoàn toàn có niềm tin thời gian tới thị trường bất động sản vẫn phát triển một cách bền vững, ổn định, không xảy ra khủng hoảng theo chu kỳ mà dư luận vẫn lo lắng.
Trong năm 2019, dự đoán sẽ có nhiều công ty bất động sản lớn, uy tín cho ra mắt sản phẩm căn hộ giá vừa tầm phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân tại các đô thị lớn.
Cơ cấu dân số vàng
Việt Nam hiện tại vẫn duy trì được cơ cấu dân số vàng. Theo Savills Việt Nam, yếu tố nền tảng đầu tiên chính là cơ cấu dân số Việt Nam, là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực. Dựa trên những nghiên cứu và phân tích số liệu của Savills, có thể thấy thị trường nhà ở Việt Nam đang được hưởng lợi từ một cơ cấu nhân khẩu học vàng.
Cụ thể, Việt Nam có quy mô dân số khá lớn với 94 triệu người. Tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc... cho thấy nước ta còn rất nhiều dư địa cho việc mở rộng đô thị. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay 2,6%, đến năm 2030, 69% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị.
Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Mặt khác, việc quy mô hộ gia đình ngày càng giảm cũng đem đến cho thị trường nhà ở nguồn cầu mới từ các gia đình nhỏ tách hộ (bao gồm các hộ gia đình 1 người).
Savills Việt Nam đúc kết rằng các yếu tố này dẫn đến trung bình hàng năm số lượng hộ gia đình mới có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 81.000 và 63.000. Nếu xét đến nhu cầu đến từ thâm hụt nhà ở xuống cấp thì con số này là 130.000 và 134.000, tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường nhà ở tại 2 thành phố. Do đó, động lực tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi cơ cấu dân số vàng, triển vọng kinh tế tích cực và các dự án cơ sở hạ tầng mới.