Trên cơ sở kết quả thống nhất ý kiến giữa TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP, đồng thời tham mưu báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường Vành đai 3.
Đường Vành đai 3 TP. HCM dài hơn 90 km, có vai trò quan trọng giúp kết nối, phát triển kinh tế, xã hội cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 10 năm được phê duyệt, toàn tuyến hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài khoảng 16 km đã được đầu tư. Mới đây, dự án thành phần 1A dài gần 9 km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được phê duyệt và đã xác định nguồn vốn đầu tư.
Quá trình lấy ý kiến, các địa phương có dự án đi qua đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư đường vành đai 3 giai đoạn 2021 - 2026.
Tuy nhiên, để đầu tư đường vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP - hợp đồng BOT) và sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn cho dự án kéo dài 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư, tính khả thi chưa cao. Chi phí giải phóng mặt bằng và đường song hành hai bên của dự án rất lớn, 4 tỉnh thành chưa thể cân đối vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Do vậy, 4 địa phương thống nhất kiến nghị được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) để đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 83.290 tỷ đồng. Bao gồm, giải phóng một lần theo quy mô hoàn chỉnh, xây dựng tuyến chính cao tốc 4 làn xe (cả nút giao trên tuyến) và đầu tư đường song hành hai bên.
Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, các địa phương đề xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Về phương thức thực hiện, dự án được đề xuất giao cho UBND TP. HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư. Thành phố sẽ chủ trì lập, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tổng thể, trong đó phân chia các dự án thành phần để các địa phương thực hiện.
Theo kết quả nghiên cứu, đường Vành đai 3 giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, có thêm hai đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này hơn 177.710 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 1, dự án giải phóng mặt bằng cho giai đoạn hoàn chỉnh, xây dựng trước 4 làn và đường song hành hai bên với tổng mức đầu tư 83.290 tỷ đồng, được chia thành hai dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh và xây dựng đường song hành với 52.468 tỷ đồng; dự án thành phần 2 xây cao tốc 4 làn xe gần 32.908 tỷ đồng.