Ngày nay, khi được hỏi “ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc là gì?”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến WeChat. Thế nhưng, sắp tới, ngôi vị này có thể sẽ lung lay, khi mà WeChat hiện phải đối mặt với một “kẻ thách đấu” đáng gờm, đang làm mưa làm gió tại thị trường Trung Quốc. “Kẻ thách đấu” đó chính là Douyin, còn được gọi là Tik Tok ở các phiên bản quốc tế, một trong những ứng dụng mạng xã hội kết hợp quay video nổi tiếng nhất hiện nay.
Tik Tok được sở hữu bởi công ty truyền thông ByteDance - một trong những startup được định giá cao nhất thế giới với giá trị vốn hóa lên đến khoảng 75 tỷ USD.
Nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước, Tik Tok đã trở thành ứng dụng có lượt tải về từ App Store cao nhất vào quý đầu năm 2018. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Sensor Tower, với 45,8 triệu lượt tải về, Tik Tok vượt mặt cả những “đàn anh” kỳ cựu như Facebook, YouTube, Instagram…
Tính đến tháng 6/2018, Tik Tok đã cán mốc 150 triệu người dùng, gấp 4 lần so với hồi tháng 1. Đây là sự tăng trưởng phi thường đối với một ứng dụng chỉ mới ra đời được 2 năm như Tik Tok. Và, dưới đây là 5 bài học thành công đắt giá mà mọi startup lẫn doanh nghiệp lớn đều nên học hỏi, được đúc rút từ sự phát triển thần kỳ của Tik Tok.
Muốn thành công, phải biết giúp người dùng phát triển
Tik Tok có chính sách đãi ngộ đối với những “ngôi sao” của mình (influencers - người có sức ảnh hưởng lớn) như đối với chính các nhân viên của họ. Được biết, ứng dụng này thường chủ động quảng bá hình ảnh cho các influencers bằng những biện pháp hỗ trợ tăng lượng truy cập (traffic) dành cho họ.
Cụ thể, vào tháng 11/2017, ByteDance đã tổ chức một hội nghị tôn vinh những người chuyên làm video trên Tik Tok và tuyên bố rằng, công ty sẽ tài trợ 300 triệu USD để giúp họ tăng số lượng người theo dõi và thu lợi nhuận. Mục tiêu của chiến lược này là tạo ra 1.000 influencers với hơn 1 triệu người theo dõi cho mỗi tài khoản trên Tik Tok vào năm tới.
Tik Tok hiểu được rằng, những người dùng đầu tiên của mình nhiều khả năng sẽ quyết định toàn bộ hướng đi của sản phẩm. Thế nên, từ những ngày đầu, đội ngũ của Tik Tok đã tìm đến nhiều trường nghệ thuật và âm nhạc tại Trung Quốc để tuyển dụng những nghệ sĩ trẻ, có vẻ ngoài ưa nhìn, với mong muốn họ sẽ tạo ra những video chất lượng trên ứng dụng. Đồng thời, Tik Tok cũng giúp họ tăng số lượng người theo dõi. Bên cạnh đó, Tik Tok còn chủ động phối hợp với các nhà cung cấp mạng đa kênh (multi-channel network) và các công ty truyền thông quảng cáo tại Trung Quốc sở hữu chuyên môn “hô biến” những người bình thường trở thành siêu sao trên mạng Internet.
Một trong những siêu sao trên Tik Tok phải kể đến cô nàng nữ sinh 22 tuổi Dai Gu La K (代古拉K). Với những đoạn clip ngắn quay cảnh mình nhảy múa, Dai Gu La K đã từng hút được 10 triệu người theo dõi trên Tik Tok chỉ trong vòng 30 ngày. Đáng nói, điều thu hút người xem không hẳn là những bước nhảy của cô, vì cô không phải là vũ công chuyên nghiệp, mà là khuôn mặt và nụ cười đáng yêu của cô nàng này. Được biết, Dai Gu La K là khách hàng của Yang Cong - một nhà cung cấp mạng đa kênh hàng đầu tại Trung Quốc, người đứng sau thành công của nhiều trong số các influencer trên Tik Tok.
Trao cơ hội sáng tạo cho những người bình thường nhất
Các video gây “bão” trên Tik Tok thường không phải là từ những người nổi tiếng. Phần lớn các video ấy do những người dùng bình thường tạo ra, chứa nội dung sáng tạo và ấn tượng, khiến người xem cảm thấy thích thú. Do đó, một trong những mục được yêu thích nhất trên Tik Tok là “mẹo vặt”, mà ví dụ điển hình là một video quay tại nhà hàng lẩu Hai Di Lao nổi tiếng tại Trung Quốc. Một thực khách đã chế biến món trứng sống trộn với tôm nghiền, nhồi vào vỏ đậu phụ và đem nấu trong nước lẩu. Video này nổi tiếng đến mức hàng ngàn người dùng đã chế biến lại món ấy và đăng trên Tik Tok. Không những thế, nhà hàng Hai Di Lao đã dùng cái tên Douyin (Tik Tok) để đặt cho món ăn mới của mình gồm trứng sống và đậu phụ.
Không chỉ tại Hai Di Lao, cái tên Tik Tok còn xuất hiện trong menu tại nhiều nơi khác nữa. CoCo - một chuỗi thương hiệu trà tại Trung Quốc - cũng có món trà sữa caramel bánh pudding lúa mạch, không đường, không đá mang tên Tik Tok. Sở dĩ như thế là vì một influencer của Tik Tok đã khám phá ra món uống này, khi kết hợp như trên, có vị rất được ưa chuộng.
Đáng nói, cả Hai Di Lao lẫn CoCo đều không phải là người chủ ý triển khai những chiến dịch marketing này. Đó đều là những chiến dịch tự phát từ những người dùng Tik Tok hết sức bình thường. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ người dùng mạng xã hội thường tin tưởng vào những nội dung được đăng tải bởi những người bình thường giống họ, nhiều hơn là những nội dung được PR, quảng cáo.
Tạo các chiến dịch marketing chủ đề
Hãy cho người dùng chủ đề, và họ sẽ tự tạo content cho bạn - đó là kinh nghiệm quý giá từ Tik Tok.
Tik Tok thường xuyên tung ra các hashtag, giới thiệu những chủ đề đang phổ biến; nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng tạo ra video dựa trên những chủ đề có sẵn ấy. Nhờ vào hashtag, Tik Tok đã tạo ra nhiều trào lưu trong cộng đồng mạng. Một ví dụ là hashtag “Seaweed Dance” (Điệu nhảy rong biển) đã trở thành một hiện tượng trên toàn Trung Quốc, giống như điệu nhảy Gangnam Style của PSY cách đây nhiều năm.
Nhiều thương hiệu, như nhãn hàng thời trang sang trọng Michael Kors, cũng đã bắt đầu sử dụng hashtag trong chiến dịch marketing của mình. Bằng cách liên kết với những influencer trên Tik Tok, nhiều thương hiệu có thể nhanh chóng đạt được hàng triệu người theo dõi nhờ vào các cuộc thi bình chọn video được yêu thích nhất có gắn hashtag. Và, vận dụng tốt hashtag còn giúp biến người dùng của Tik Tok trở thành người quảng bá cho chính thương hiệu của họ.
Cá nhân hoá là yếu tố then chốt
Với đội ngũ gồm hàng ngàn kỹ sư cùng phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo được dẫn dắt bởi các cựu nhân viên của Microsoft Research Asia, điểm mạnh của Tik Tok là những thuật toán có khả năng xác định một cách chính xác những nội dung có thể gây ấn tượng với từng mỗi người dùng, dựa trên hành vi trong quá khứ của họ.
Với Instagram, người dùng thường chỉ có thể xem những nội dung được đăng bởi người mà mình theo dõi. Còn với Tik Tok, ứng dụng này có thể đề xuất nội dung từ những người dùng mà bạn chưa từng thấy qua. Do đó, người dùng Tik Tok luôn tìm thấy nội dung mới. Và, nhờ thuật toán của Tik Tok, hầu như toàn bộ nội dung mới luôn phù hợp với sở thích của người dùng.
Nội địa hóa sản phẩm khi tung ra thị trường quốc tế
Sau một năm hoạt động ở Trung Quốc với tên gọi Douyin, phiên bản tiếng Anh - Tik Tok đã ra mắt trên thị trường quốc tế, và nhanh chóng đứng đầu danh sách tải về trên App Store tại Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy giao diện của Tik Tok giống với phiên bản Trung Quốc, nó đã được “nội địa hóa”, và thêm vào một số tính năng cho phù hợp với văn hóa của từng vùng bởi chính những người dùng của Tik Tok. Ví dụ, Tik Tok tại Hàn Quốc sẽ sử dụng hình ảnh của các ngôi sao Hàn Quốc và các bản nhạc K-pop trong những video của mình. Còn Tik Tok Indonesia thì chuộng tính năng vẽ lên mặt v.v..
Việc nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế cũng giúp những trào lưu trên Tik Tok được lan toả một cách rộng rãi hơn. Vào ngày Valentine năm nay, tài tử Hàn Quốc - Lee Jong Suk đã đăng tải một đoạn video trên Tik Tok quay cảnh anh đặt cằm của mình trên một bàn tay và nở nụ cười. Cùng với hashtag #iamyourvalentine, video này đã đem về cho anh 680.000 lượt yêu thích chỉ trong vòng một tuần, và trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới, khi vô số phiên bản của video này được chia sẻ trên các mạng xã hội.
Theo Lê Duy/Doanh Nhân Sài Gòn