Phát biểu trên DealStreetAsia,Eddie Thái, đối tác của quỹ tại Việt Nam cho biết đơn vị hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giải ngân các khoản rót vốn, đạt ít nhất từ hai phi vụ trở lên mỗi tháng trong năm nay.
"Cùng lúc đó, chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của quỹ. Đến thời điểm này, đơn vị đạt được một số bước tiến đang ghi nhận khi đầu tư vào các startup ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, thu hút thêm tài năng, nguồn vốn và tiếp cận các thị trường mới", Eddie Thái nói.
Nghiên cứu của tổ chức đào tạo khởi nghiệp Topica Founder Institute (TFI) cho biết 500 Startups là quỹ hoạt động tích cực nhất trong năm 2017. Các khoản đầu tư của đơn vị chủ yếu vào những lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, thương mại điện tử, quảng cáo, truyền thông và giải trí.
Quỹ đầu tư mạo hiểm này mới đây đánh dấu cột mốc phi vụ đầu tư thứ 20 vào một startup lĩnh vực công nghệ tài chính ứng dụng nền tảng blockchain. Tháng 3/2018, một trong những startup nằm trong danh mục đầu tư của quỹ là Wifi Chùa được một startup Việt khác, Appota mua lại với con số không được tiết lộ.
Theo Eddie Thái, nếu các nhà đầu tư khác tại Việt Nam mất khoảng 6 tháng hoặc hơn để chốt một phi vụ đầu tư thì con số này ở quỹ là một đến ba tháng. Ngoài ra, 500 Startups thường chỉ yêu cầu 10% cổ phần công ty hoặc ít hơn cho mỗi lần đầu tư thay vì 30% đến 50% cổ phần.Trong năm 2018, quỹ hy vọng sẽ tiếp tục cải thiện quy trình để chốt các hợp đồng nhanh hơn nữa, đồng thời tăng quy mô, kích cỡ các khoản đầu tư.
Theo TFI, 500 startups là một trong bốn nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam xét theo tiêu chí số lượng phi vụ rót vốn với 11 lần năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận số vụ đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư nội vượt quỹ ngoại nhưng vẫn thua về tổng giá trị các phi vụ.
Năm 2017, 500 Startups dẫn đầu các quỹ đầu tư ở số lượng các phi vụ rót vốn với 11 bản hợp đồng. Ảnh: TFI
Sang năm 2018, đối tác của quỹ tại Việt Nam chia sẻ 500 Startups mong muốn tiếp tục đóng góp, nâng cấp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong bối cảnh các nhà sáng lập, giám đốc điều hành startup Việt đang dần trở nên tốt hơn, có trình độ, kỹ năng cao và lượng vốn quốc tế đổ về nhiều hơn.
Quỹ đầu tư thung lũng Silicon thấy cần thiết phải chia sẻ cho hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cách tham gia sâu rộng hơn và ứng dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mô hình kinh doanh cụ thể của từng đơn vị, ngoài ra góp phần kiến nghị chính sách để cải thiện các quy định và môi trường kinh doanh cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
"Khởi nghiệp ở mỗi lĩnh vực, thị trường đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Bên cạnh những điểm tích cực, tôi vẫn để ý thấy còn những điểm tiêu cực như nhiều startup còn ảo tưởng khi những cá nhân tham gia vào cuộc chơi khởi nghiệp mà không hiểu rõ cần phải làm gì hoặc đuổi theo những giá trị nhất thời, khởi nghiệp công nghệ theo trào lưu mà không quan tâm đến xây dựng sản phẩm có chiều sâu...", Eddie Thái nhận định.
Theo Tùng Hạ - Vnexpress