Mạng 5G thế hệ tiếp theo có thể sẽ nhanh hơn 100 lần so với 4G, đồng thời giúp giao tiếp giữa thiết bị và máy chủ nhanh hơn rất nhiều. Hơn hết, 5G cũng có trữ lượng dữ liệu nhiều hơn hẳn các mạng khác. Tất cả những ưu điểm đó làm cho mạng công nghệ cao trở nên lí tưởng cho việc tự động hoá các quy trình canh tác hay truyền thông tin từ các máy cảm biến và máy drones – các công cụ chính đang được người nông dân ở nhiều nước thử nghiệm. Ví dụ phải kể đến như máy bay drones điều khiển từ xa sử dụng 5G giúp cải thiện sản xuất khoai tây tại Hà Lan; cảm biến 5G theo dõi nhiệt độ nước và nồng độ muối tại các trang trại hàu của Nhật Bản.
Mới đây nhất, sáng kiến RuralFirst của Anh Quốc cho ra mắt ứng dụng điện thoại thông minh có tên Me + Moo, cho phép người nông dân theo dõi những chú bò “được kết nối” qua chiếc vòng cổ 5G, họ sẽ nhận được cập nhật hàng ngày về sức khoẻ và hành vi của “đối tượng”. Hệ thống hiện đang thử nghiệm trên các chú bò tại Trung tâm Agri-Epi ở Somerset, Anh; được tài trợ bởi một khoản trợ cấp từ chính phủ và hỗ trợ bởi công ty công nghệ Cisco.
“Công cụ này mang đến sự an tâm cho người nông dân về tình trạng và điều kiện của những chú bò, cũng như sớm cảnh báo nếu chúng bị bệnh, đang mang thai hay cần được kiểm tra”, quản lý dự án, anh Duncan Forbes cho biết.
“Các nhà truyền giáo 5G” lập luận rằng, các trang trại thường bao gồm những khu vực lớn khó giám sát, ngành nông nghiệp sẽ gặt hái được những thành công thuận lợi từ việc thu thập dữ liệu từ xa như thế này. Ngoài ra, 5G còn có thể giúp cho hệ thống tưới tiêu bật tắt vào thời điểm tối ưu trong ngày hoặc giúp xác nhận những khu vực có chất dinh dưỡng tốt nhất cho gia súc được chăn thả.
Vấn đề tự động hoá
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc dự đoán rằng, để cung cấp cho dân số đang đà tăng nhanh, chúng ta sẽ cần tăng thêm 70% lương thực vào năm 2050, nếu so sánh với sản lượng năm 2009. “Để đáp ứng được những nhu cầu đó, người nông dân sẽ cần công nghệ mới giúp đẩy mạnh sản xuất trong điều kiện ít đất hơn, ít lực lượng lao động hơn”, trích dẫn từ một báo cáo.
Năm 2017, một dự án nông nghiệp 5G khác đã trơt thành dự án đầu tiên trên thế giới gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch thành công mà không cần tới một bước chân của người nông dân trên cánh đồng. Dự án, với tên gọi “Héc ta rảnh tay”, đã báo cáo một vụ mùa thu hoạch thành công khác vào năm 2018 và hiện tại còn có thể đi xa hơn nhờ vào công nghệ 5G giúp làm tăng độ chính xác và hiệu quả trong quá trình phun thuốc bảo vệ cây. “Không chỉ giúp duy trì việc canh tác, công nghệ điều khiển từ xa giúp mọi việc trở nên đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều cho người nông dân sản xuất,” - Jonathan Gill, nhà nghiên cứ tại Đại học Harper Adams, chia sẻ về sự đổi mới công nghệ trong nông nghiệp.
Theo CNN