6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp vẫn tồn tại những vấn đề cố hữu nên chưa thể là động lực lớn cho tăng trưởng của cả nền kinh tế.
6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam

"Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?", đó là câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng 4 vừa qua. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP được giao trọng trách lên một số ngành được xem là trọng tâm như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, nông nghiệp đã tăng trưởng tích cực với mức 2,65% (so với mức -0,18% cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp vẫn tồn tại những vấn đề cố hữu nên chưa thể là động lực lớn cho tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Trong báo cáo phân tích mới nhất về tập đoàn nông nghiệp Lộc Trời, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng phần nào phác thảo rõ nét bức tranh nông nghiệp trong đó có điểm nhấn lớn.

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong 20 năm qua

6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam ảnh 1

BVSC cho rằng nhờ đẩy mạnh thâm canh, tập trung tăng năng suất lúa gạo để xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có sản lượng lương thực bình quân đầu người cao trong nhóm các nước có thu nhập trung bình. Xuất khẩu cũng bùng nổ, hiện Việt Nam là một trong các nước lớn nhất về xuất khẩu gạo, cà phê, điều, hồ tiêu và các sản phẩm về thuỷ sản.

Tuy tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP cả nước đã giảm trong những năm gần đây nhưng mức đóng góp vào tăng trưởng vẫn ổn định ở mức 16-18%. Ngành vẫn đóng vai trò rất quan trọng khi tạo ra trên 40% tổng việc làm cho lao động cả nước. Năm 2016, ngành trồng trọt chững lại do tình hình giá nông sản thế giới bất lợi.

Lúa vẫn là cây trồng quan trọng nhất

Trong giai đoạn 1990-2015, diện tích đất trồng trọt tăng bình quân 2%/năm, đến cuối năm 2015 đạt gần 15 triệu hecta. Ở cùng thời kỳ này, đất trồng lúa tăng chậm hơn, bình quân 1%/năm thay đổi rất ít kể từ sau năm 2000.

Theo thống kê gần nhất diện tích đất trồng lúa hiện nay ở mức 7,8 triệu hecta, chiếm 52,5% tổng diện tích đất trồng trọt và năng suất đã được cải thiện rất nhiều so với 20 năm trước đây. Cần phải nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu an ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo, cây lúa đã nhận được sự ưu ái của Chính phủ khi đất nông nghiệp đồng bằng có chất lượng tốt nhất kèm theo hệ thống tưới tiêu đặc thù luôn được dành để canh tác lúa.

Trong nhiều năm liền, đa phần các nỗ lực mở rộng diện tích tưới tiêu, nghiên cứu và khuyến nông của Chính phủ đều tập trung vào việc tăng sản lượng lúa địa phương và quốc gia.

Đa dạng hoá cây trồng chỉ mới bắt đầu

Từ năm 1990 đến 2014, quá trình đa dạng hoá cây trồng ở Việt Nam diễn ra khá chậm và cơ cấu không thay đổi đáng kể. Diện tích thu hoạch ngũ cốc tăng 39% (chủ yếu do ngô và sắn) và vẫn chiếm trên 70% tổng diện tích đất trồng.

Trong khi đó nhóm trái cây và rau cải do có xuất phát điểm thấp đã tăng lần lượt 94% và 215% tuy nhiên vẫn đóng góp tỷ trọng rất thấp. Nguyên nhân được BVSC nhận định xuất phát từ việc ưu tiên phát triển cây lúa và sự manh mún trong sở hữu đất nông nghiệp.

Sở hữu đất nông nghiệp manh mún đang là vấn đề nan giải

Theo thống kê Tổng điều tra nông nghiệp, khoảng 90% đất nông nghiệp là thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp và số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp đều có quy mô rất nhỏ. Trong đó, nhóm hộ canh tác trên ruộng dưới 0,5 hecta chiếm tới 69%, nhóm có diện tích từ 0,5 đến 2 hecta chiếm 25% và nhóm có diện tích lớn hơn 2 hecta chỉ chiếm 6%.

Độ manh mún có sự khác biệt lớn giữa các vùng trong đó đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có mức độ manh mún cao nhất. Như vậy, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp Việt Nam ở mức 0,34 hecta, chỉ bằng từ 0,6 đến 0,8 lần các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Philippines.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã nêu ra 4 nút thắt quan trọng cần được gỡ bỏ. Trong đó có vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là nút thắt hàng đầu. Thực tế, Chính phủ đã có những bước đi nhằm cải thiện tình hình này. Đơn cử như hạn mức giao đất được sửa đổi chi tiết hơn trong điều 129 Luật đất đai 2013, hạn mức giao đất nông nghiệp đã được cụ thể hóa cho mỗi loại đất và cho cụ thể từng vùng.

Mô hình phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa bền vững

6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam ảnh 4

Cho đến nay, chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam đã mang lại những thành tựu vượt trội về năng suất, sản lượng và xuất khẩu, tuy nhiên thành tích về hiệu quả kinh tế cho nông dân và ý nghĩa đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia lại không mấy ấn tượng.

BVSC nhận xét nền nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng dựa trên mô hình về lượng hơn là về chất, đó là tăng cường thâm canh dẫn đến sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác dẫn đến chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp đối với môi trường cao.

Trong giai đoạn 2005 – 2016, ước tính ngành Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng 36,8% tuy nhiên nhập khẩu vật tư nông nghiệp lại tăng vượt xa mức này, điển hình nhập khẩu phân bón tăng 43% và nhập khẩu thuốc trừ sâu & nguyên liệu hoá chất tăng 337%. Trong 5 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu tiếp tục tăng lần lượt là 24% và 42,9%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên mỗi hecta đất trồng trọt sau giai đoạn tăng trưởng nhanh đã có dấu hiệu chững lại.

Trong báo cáo phát triển Việt Nam, WorldBank đã chỉ ra rằng tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong ngành Nông nghiệp của Việt Nam đã và đang trong xu thế giảm kể từ năm 2000. Đây rõ ràng là xu hướng đáng lo ngại. Theo một thống kê khác của IPSARD, TFP chiếm trung bình khoảng 40% tăng trưởng các năm gần đây của nông nghiệp Việt Nam trong khi Thái Lan là 83%, Trung Quốc là 86% và Malaysia là 92%.

Nông sản Việt Nam bị gán mác giá rẻ trên thị trường xuất khẩu

6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam ảnh 5

Thực tế trong nhiều năm nay là nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều được bán ở giá thấp hơn các nước khác trong khu vực, chủ yếu là do chất lượng kém và xuất ở dạng thô chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

BVSC cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất bên cạnh kỹ thuật canh tác, giống và sự lạm dụng quá mức các loại hoá chất – vật tư còn do sự kém phát triển của công đoạn bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm mang lại giá trị sản phẩm cao hơn. Điều này dẫn đến một số loại nông sản của Việt Nam phải phụ thuộc vào một số thị trường "dễ tính" mua số lượng lớn với giá thấp như Trung Quốc.

Theo Thảo Nguyên/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...