6 xu hướng nổi bật của ngành F&B trong năm 2024

Theo Kirin Capital, 6 xu hướng nổi bật ngành F&B trong năm 2024 là đồ uống tiện lợi; nhu cầu “ăn sạch, uống sạch”; cuộc đua Michelin; nâng cao chất lượng và trải nghiệm; chuyển đổi số trong kinh doanh F&B; cơ hội ngành F&B cho nhà đầu tư nước ngoài...

Kirin Capital vừa công bố Báo cáo triển vọng ngành F&B (Food & Beverage) với dự báo giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng 10,9% so với năm 2023.

SẼ CÁN MỐC HƠN 655 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Nhìn lại năm 2023, Kirin Capital đánh giá đây là một năm đầy thách thức với nhiều ngành kinh tế, tuy nhiên F&B Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 11,47%, đạt tổng doanh thu hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.

Theo: Kirin Capital

Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, các cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần, khẳng định vị thế thống trị của mô hình này.

Theo báo cáo của iPOS.vn, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Hình thức chuyển khoản/quét mã QR thống trị với 61,4% người dùng, theo sau đó là ví điện tử (11,8%) và thẻ ngân hàng/ thẻ tín dụng (7,2%). Hình thức thanh toán NFC tuy mới ra mắt gần đây nhưng cũng thu hút 1,1% người dùng lựa chọn.

Về thị trường giao đồ ăn trực tuyến, quy mô năm 2023 đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20,18% năm 2022 và gấp 3,5 lần thời kỳ trước dịch. Điều này cho thấy thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến, bởi nhiều tiện ích. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ.

Theo: Kirin Capital

Kinh doanh online đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền. Trong danh sách các doanh nghiệp F&B sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, 47,9% doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm từ 25-50% so với tổng doanh thu.

Năm vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng số lượng cửa hàng trực tuyến, trên các ứng dụng giao đồ ăn. Tuy vậy, thị phần cửa hàng trực tuyến gần như giữ nguyên so với năm 2022.

Khảo sát của iPOS.vn cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến chỉ chiếm khoảng 53,1%, với điều kiện phát sinh ít nhất 5 đơn hàng/tuần.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia F&B cho rằng một số lượng lớn cửa hàng dừng hoạt động và lượng cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao.

Về các ứng dụng chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn, năm 2023 chứng kiến sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của Shopee Food, với 42,94% doanh nghiệp sử dụng và cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood.

Theo: Kirin Capital

Năm qua cũng chứng kiến khả năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của BeFood, với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Ngạc nhiên hơn, BeFood mới chỉ hoạt động tại hai đô thị đặc biệt tại Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

6 XU HƯỚNG NỔI BẬT

Phân tích về xu hướng của ngành F&B, Kirin Capital cho rằng có 6 nội dung nổi bật trong năm 2024.

Thứ nhất, làn sóng đồ uống tiện lợi. Nhu cầu ngày càng cao cho sự tiện lợi và nhanh chóng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Với chi phí đầu tư hợp lý, vị trí thuận tiện, cùng menu đa dạng phù hợp với mua mang đi và giao hàng, phân khúc này hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024.

Thứ hai, nhu cầu “ăn sạch, uống sạch” tăng cao. Trong năm 2023 vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều “hot trend” ăn uống nổi lên từ xu hướng “ăn sạch, uống sạch” này, điển hình như các loại bánh ăn kiêng, trà sữa keto, bánh trung thu healthy, hay bánh ngọt không đường…

Xu hướng này vừa là thách thức cho các người đứng đầu nhãn hàng, đòi hỏi thương hiệu phải nhanh nhạy “bắt trend” để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời cũng vừa là cơ hội cho những ai muốn bước chân vào ngành F&B. Tận dụng trend ăn uống healthy đang đạt đỉnh, những người mới trong ngành có thể thành công thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và nhanh chóng kiếm được lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của mình. Đến năm 2024, xu hướng “ăn sạch, uống sạch” hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục được nhiều người quan tâm.

Thứ ba, cuộc đua Michelin, nâng tầm đẳng cấp ẩm thực Việt. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà hàng cao cấp để nhận giải thưởng Michelin danh giá đang trở thành xu hướng nổi bật. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, các thương hiệu F&B đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng. Cuộc đua Michelin không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và trải nghiệm. Nắm bắt xu hướng chung của thị trường, các doanh nghiệp F&B sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng để thu hút và giữ chân thực khách.

Thứ năm, chuyển đổi số trong kinh doanh F&B. Kinh doanh F&B được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam. Đầu tiên, các cơ sở kinh doanh chuyển từ kinh doanh offline, chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh.

Marketing online cũng là một xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B Việt Nam. Rõ nhất có thể nhìn vào các nhà hàng, quán cà phê, hoặc ngay cả những quán ăn bình dân cũng đầu tư lập fanpage, tạo website, thậm chí là thiết kế ứng dụng riêng để xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống tiện ích cho hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ sáu, cơ hội ngành F&B cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là “miếng bánh” hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu tham gia đầu tư, nhất là dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B. Chính sự thay đổi hành vi người dùng trở nên hiện đại và sẵn sàng chi tiêu hơn, Việt Nam được mong đợi trở thành top 3 quốc gia châu Á trong lĩnh vực kinh doanh F&B.

Ngoài ra, với sự chuyển đổi kỹ thuật số cho việc trải nghiệm ăn uống, nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao tăng cao, cùng với sự hiểu biết về xu hướng và tư duy mới trong kinh doanh F&B cũng là những điểm nổi bật khiến các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến thị trường Việt Nam.

Ngược lại, các thương hiệu F&B Việt cũng đang dần thận trọng hơn đến quá trình sản xuất và hoạt động vận hành của mình, từ việc chọn nguyên liệu đầu vào, dây chuyền chế biến, đóng gói, cho đến nâng cấp chất lượng dịch vụ… Điều này cho thấy các thương hiệu Việt đang có những động thái để củng cố và giữ vững vị thế của mình không chỉ với các đối thủ từ nước ngoài mà còn để cạnh tranh với những đối thủ nội địa.

Kirin Capital nhận định, ngành F&B đã vượt qua những khó khăn và đang trong giai đoạn sẵn sàng chuyển mình đổi mới. Chính vì vậy, giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến những thay đổi và phát triển tích cực của ngành F&B, mang tới những cơ hội đầu tư tiềm năng cho thị trường.

Có thể bạn quan tâm