Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã đạt mức kỷ lục trong năm 2023 khi các nhà sản xuất đồng hồ tăng giá và xuất khẩu đồng hồ thạch anh tăng vọt. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng đã chứng kiến sự giảm dần trong nửa cuối năm ngoái. Tình trạng này kéo dài tới tận thời điểm hiện tại và được dự báo sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2024.
Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho biết, giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ trong tháng 3/2024 đã giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn 2,2 tỷ USD. Sự sụt giảm này được cho là do nhu cầu về đồng hồ cao cấp và xa xỉ tại các thị trường trọng điểm bao gồm Trung Quốc và Hồng Kông cạn kiệt.
Các lô hàng xuất khẩu đến Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của đồng hồ Thụy Sĩ giảm 42%, xuống mức thấp hơn cả kỷ lục trong quá khứ vào tháng 3/2020 khi ngành công nghiệp này đình trệ vì lệnh phong tỏa do đại dịch.
Đầu tháng 2/2024, chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn cho năm 2024. Điều này phần nào cho thấy việc tiêu dùng dựa trên trải nghiệm thay vì mua sắm, trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng yếu và tài sản có thể mất giá.
Các chuyến hàng đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu đến Hồng Kông cũng giảm mạnh 44%. Liên đoàn công nghiệp cho rằng đây là mức giảm đáng kể đầu tiên sau hai năm tăng trưởng ổn định.
Các thị trường khác như Pháp, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức trung bình đến cao. Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho rằng điều này không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Bên cạnh đó, số lượng đồng hồ được xuất khẩu từ Thụy Sĩ trong tháng 3/2024 đã giảm 25% xuống còn 1,1 triệu chiếc bởi các nhà bán lẻ đã rút lại đơn đặt hàng. Vào năm 2021, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường hàng đầu của đồng hồ Thụy Sĩ nhưng các lô hàng đến Mỹ cũng đã giảm 6,5% trong tháng 3/2024.
Lãi suất cao hơn, tăng trưởng kinh tế không ổn định và xung đột địa chính trị đã khiến người mua đồng hồ cân nhắc lại việc chi tiền cho những chiếc đồng hồ đắt tiền. Hơn nữa, giá trị tăng vọt của đồng franc Thụy Sĩ cũng đang gây áp lực lên các nhà sản xuất đồng hồ vào năm 2024, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ và tầm trung.
Jean-Philippe Bertschy, nhà phân tích tại Vontobel ở Thụy Sĩ cho hay, xu hướng tiêu cực này sẽ còn tồi tệ hơn và sự suy giảm tới từ Trung Quốc thực sự đáng lo ngại, hàng tồn kho trong khu vực này sẽ chạm ngưỡng cao trong năm nay.
Cổ phiếu của Swatch Group, công ty sản xuất thương hiệu đồng hồ Omega và Longines, đã xuống mức thấp mới. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Richemont, chủ sở hữu của thương hiệu đồng hồ Vacheron Constantin và Cartier cũng đang chứng kiến sự sụt giảm.
Sự sụt giảm còn xảy ra ở tất cả các phân khúc giá đồng hồ, với lô hàng đồng hồ trên 3.000 franc, tương đương 3.309 USD chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu đã giảm khoảng 10% về giá trị. Xuất khẩu đồng hồ có giá từ 500 franc (552 USD) đến 3.000 franc (3.309 USD) đã giảm 38%.
Ngay cả với phân khúc đồng hồ có giá thấp nhất, dưới 200 franc (220 USD) chẳng hạn như Omega MoonSwatch của Swatch Group AG cũng đã chứng kiến mức xuất khẩu trong tháng 3/2024 giảm mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, thị trường đồng hồ Thụy Sĩ đã bùng nổ chưa từng có bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài đến giữa năm 2023. Xuất khẩu giảm mạnh từ cuối năm 2023 cho đến nay đã cho thấy nhu cầu trên toàn cầu đối với đồng hồ Thụy Sĩ đang sụt giảm mạnh.
Nhu cầu về đồng hồ Thụy Sĩ và đồng hồ xa xỉ tăng cao sau thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài và ngập trong tiền mặt nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ. Nhiều người tiêu dùng đã đổ xô đi mua các thương hiệu đồng hồ hàng đầu bao gồm cả Rolex và Patek Philippe.
Thời điểm sau đại dịch, do bị cản trở bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng sau khi tạm dừng sản xuất trong thời gian phong tỏa, nhiều nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ không thể sản xuất kịp và hầu hết các thương hiệu đều tăng giá.