Kering là tập đoàn sở hữu 11 thương hiệu danh giá gồm Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen, Bottega Veneta, Boucheron, Brioni, Pomellato và Ulysse Nardin. Cơn bão suy thoái của toàn ngành hàng xa xỉ trong một năm trở lại đây đã khiến Kering cũng bị cuốn theo.
Sau khi chứng kiến mức giảm 17% lợi nhuận ròng trong năm 2023, Tập đoàn Kering tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm mạnh 40 đến 50%. Nhu cầu tiêu thụ yếu ở thị trường lớn Trung Quốc cùng với hiệu suất kém của Gucci đang đè nặng lên tập đoàn.
Khi tập đoàn xa xỉ nước Pháp đang cố gắng vực dậy, các nhà đầu tư, những người trong cuộc và cả các nhà phân tích trong ngành cho hay, tập đoàn này cần một cuộc đại tu mạnh mẽ hơn nhiều so với kế hoạch đưa ra.
DOANH THU ĐI XUỐNG
Nỗi đau sâu sắc của Kering trở nên rõ ràng khi thương hiệu lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của tập đoàn Kering là Gucci, trong 3 tháng đầu 2024 đã giảm 18% so với cùng kỳ.
Doanh số bán hàng tại bộ phận Other Houses của thương hiệu Balenciaga và Alexander McQueen đều có mức giảm 6% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 2/2024, Tập đoàn Kering đã cho biết, các khoản đầu tư liên tục vào Gucci sẽ làm giảm lợi nhuận của tập đoàn trong cả năm nay. Các thương hiệu khác như Yves Saint Laurent, Balenciaga, Bottega Veneta, Alexander McQueen và cổ phần ở Valentino quá nhỏ để bù đắp cho sự suy giảm đó. Hơn thế, một số thương hiệu thuộc Kering cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn riêng.
Những người mua sắm tại các cửa hàng Gucci đã lội qua hàng đống hàng hóa giảm giá mạnh, từ giày cao gót, dép lông, áo khoác hay ví cầm tay. Việc bán những mặt hàng của mùa trước và giảm giá mạnh là điều hiếm khi thấy ở các đối thủ cung cấp hàng xa xỉ khác như Louis Vuitton, Chanel và Hermes.
Các chuyên gia cho rằng đó chính là kết quả của tầm nhìn mơ hồ của Gucci về vị thế của mình cùng chiến lược quản lý yếu kém trong lĩnh vực thời trang cao cấp. Điều này đã khiến công ty mẹ Kering phải vật lộn để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh về doanh thu.
Stefania Savilo, tiến sĩ, giảng viên ngành thời trang tại Đại học Bocconi, Ý cho hay, Gucci đang thay đổi và tái xây dựng thương hiệu, hiện tại có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất khi họ phải “sửa chữa” bộ máy công ty và cả thương hiệu.
Sự biến động mạnh mẽ của không chỉ Gucci mà cả các thương hiệu khác của Kering trong những năm trở lại đây bắt nguồn từ nỗ lực tìm kiếm điểm kết hợp giữa thời trang và sự sang trọng.
Các phân khúc và mô hình kinh doanh mà Kering hướng đến có thể đã xung đột lẫn nhau. Thời trang cần hướng đến các xu hướng phù du và phải biến đổi liên tục, trong khi đó sự sang trọng cần vượt thời gian và có tính lâu dài.
Đối thủ cạnh tranh hàng xa xỉ như Hermes và Chanel vẫn giữ truyền thống cung cấp ra thị trường những sản phẩm kinh điển vượt thời gian và đã rất được ưa chuộng.
Mario Ortelli, đối tác sáng lập của công ty tư vấn công nghiệp Ortelli & Co tại Anh cho hay, danh mục đầu tư của Kering chủ yếu bao gồm các thương hiệu thời trang cao cấp mang tính xu hướng hơn là chú trọng vào các sản phẩm “di sản” cao cấp. Làn sóng thời trang có thể đến rồi đi, Kering có thể cưỡi sóng một thời gian nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi.
Giai đoạn giữa tháng 3/2024, khi những thông tin xấu về Kering dần được hé lộ, giá cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm 12%. Tập đoàn này đang nỗ lực cải tiến hình ảnh thương hiệu và chiến lược của mình để có thể chống đỡ sự sụt giảm mạnh, nhất là ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
LIỆU CÓ THỂ XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ?
Ngành hàng xa xỉ cá nhân trên toàn cầu đã kiên cường hơn khi lĩnh vực này đang nguội dần. Kering đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các tập đoàn cùng ngành do nhu cầu đối với hàng xa xỉ giảm sút, nhất là với những người mua đầy tham vọng đã cắt giảm chi tiêu ồ ạt khi áp lực lạm phát ập đến.
Gucci, thương hiệu lớn nhất của Kering đã thực hiện tối đa hóa tăng trưởng doanh số bán hàng với chi phí làm chiến lược dài hạn. Khi doanh số bán hàng của Gucci trượt dốc trong khoảng thời gian gần đây, thương hiệu này lại một lần nữa cho biết họ muốn giảm doanh số bán hàng chiết khấu tại các cửa hàng. Nhưng, nhiều người cho rằng thương hiệu Gucci đang đấu tranh để giành lấy cái gọi là “sự khao khát”, chén thánh được tất cả các thương hiệu xa xỉ tìm kiếm.
Khi Kering lao vào nỗ lực nhằm xoay chuyển tình thế, các nhà đầu tư dài hạn, những người từng là người trong nội bộ tập đoàn nói rằng tập đoàn này cần phải có một bước chuyển mình lớn.
Các nhà phân tích và cựu thành viên nội bộ của Kering đổ lỗi rằng cho phần lớn tình trạng hỗn loạn gần đây của công ty là do nội bộ của tập đoàn này đang rối loạn.
Một số người đã đặt câu hỏi rằng liệu giám đốc điều hành của Kering có thật sự phù hợp với công việc này sau gần hai thập kỷ cầm quyền hay không. Họ còn yêu cầu người lèo lái Kering phải giao lại quyền điều hành cho người khác như phó giám đốc điều hành Francesca Bellettini để tiếp thêm sinh lực cho tập đoàn.
Aurelie Husson Dumoutier, nhà phân tích tại HSBC nhận định, hiện tại, mọi người đang nhìn vào Kering và đánh giá rằng tập đoàn này đang có một số vấn đề về quản trị hay vấn đề về sức mạnh thương hiệu. Họ đã quên rằng, vẫn là đội ngũ lãnh đạo đó, từ năm 2017 đến năm 2019, Gucci là một trong những thương hiệu nắm giữ vị trí đỉnh cao trong lĩnh vực hàng xa xỉ.
Cuộc “đại tu” cho tập đoàn Kering có thể là một việc làm khó thực hiện, khi các hành động của giám đốc điều hành Francois Henri Pinault đã không trấn an được thị trường.
Các nhà phân tích cho hay, không giống như giám đốc điều hành LVMH, luôn quyết định rõ ràng mọi động thái quan trọng, tại Kering, các dòng báo cáo tài chính khó hiểu đã khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi chấm.
Trong những năm qua, làn sóng thành công theo chu kỳ của Kering đều đến từ mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa nhà thiết kế và giám đốc điều hành hàng đầu.
Những thay đổi trên mặt trận sáng tạo cùng các cuộc cải tổ về quản lý tại Kering và Gucci đã được thực hiện một cách sâu rộng. Tuy nhiên, điều này vẫn không làm dịu được những lo ngại của các nhà phân tích về triển vọng của tập đoàn.