Báo cáo thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh mới đây của SBIC ghi nhận doanh thu công ty mẹ sau 7 tháng ước đạt 249 tỷ đồng, thực hiện 10,7% kế hoạch cả năm, trong đó 98% là doanh thu từ hoạt động tài chính. Được biết, công ty mẹ đặt mục tiêu cả năm đạt 2.320 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế ở mức 2.885 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị sản xuất toàn tổng công ty thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 1.605 tỷ đồng, riêng trong tháng 6, giá trị sản xuất đạt 302 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu cả năm.
Tháng 7, SBIC ước đạt giá trị sản xuất 253 tỷ đồng nâng tổng giá trị sản xuất 7 tháng lên 1.858 tỷ đồng qua đó hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu của Tổng công ty, 2 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi và sửa chữa mới tàu, thuyền, phương tiện nổi đóng góp tới 93% giá trị sản xuất 7 tháng đầu năm với 1.732 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất mảng đóng mới và sửa chữa tạo ra lần lượt là 1.451 tỷ đồng và 231 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 6, 2 mảng kinh doanh đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền, phương tiện nổi tạo ra lần lượt 249 tỷ đồng và 30 tỷ đồng giá trị sản xuất, lần lượt giảm 44% và 62% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất mà mảng đóng mới và sửa chữa tạo ra lần lượt là 1.265 tỷ đồng và 192 tỷ đồng, thực hiện 32% và 35% kế hoạch cả năm.
Ngoài ra, số lao động tính đến hết tháng 7 của toàn tổng công ty lên tới 11.300 người với thu nhập bình quân là 6,4 triệu đồng/người/tháng trong đó có 600 lao động không có việc làm. Như vậy, mỗi tháng SBIC sẽ phải chi trả khoảng 72 tỷ đồng tiền lương cho người lao động. Tháng 7 vừa qua, tổng công ty đã thanh toán 82 tỷ đồng lương và 316 tỷ đồng bảo hiểm xã hội còn nợ người lao động hồi cuối tháng 6.
Đối với hoạt động của 8 đơn vị giữ lại, sau 7 tháng, giá trị sản xuất ước tính 1.494 tỷ đồng trong khi doanh thu ước đạt 1.135 tỷ đồng, hoàn thành 39% và 40% kế hoạch cả năm.
Riêng tháng 7, 8 đơn vị giữ lại tạo ra 231 tỷ đồng giá trị sản xuất trong đó 2 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính chiếm 97%. Trước đó, trong tháng 6, 8 đơn vị này chỉ tạo ra 238 tỷ đồng giá trị sản xuất, bằng 56% so với cùng kỳ năm ngoái nâng tổng giá trị sản xuất nửa đầu năm lên 1.263 tỷ đồng trong đó mảng đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi tạo ra 1.082 tỷ đồng, mảng sửa chữa tàu, thuyền, phương tiện nổi tạo ra 149 tỷ đồng.
Qua đó, 8 đơn vị giữ lại này mang về 141 tỷ đồng doanh thu riêng trong tháng 7 nâng mức doanh thu lũy kế 7 tháng lên 1.135 tỷ đồng, thực hiện 40% kế hoạch cả năm đề ra.
Trong khi đó, số lao động của 8 đơn vị này tính đến tháng 7 là 4.725 người với thu nhập bình quân là 7,4 triệu đồng/người cao hơn mức bình quân toàn tổng công ty. Đến hết tháng 7, 8 đơn vị này cũng đã không còn nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động trong khi trước đó con số này lên đến hơn 78 tỷ đồng hồi cuối tháng 6.
Một thông tin đáng chú ý khác, hồi tháng 6 vừa qua, Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội về việc cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ của SBIC sau khi nhận được công văn của Tổng cục Hải quan về việc cưỡng chế nợ thuế đối với SBIC, bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Trước đó, trong năm 2016, Tổng cục Thuế từng nhiều lần có văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC. Theo đó, SBIC phải sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác không phải nguồn vốn tạm ứng hỗ trợ sản xuất và nguồn thu từ tái cơ cấu để nộp ngân sách nhà nước.
Tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ số tiền thuế hơn 133 tỷ đồng, xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, và tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp…
Theo bizlive.vn