Khái niệm thành công đối với từng người khác nhau. Thì thất bại cũng vậy, đối với từng người, thất bại cũng khác nhau.
Nhưng chúng ta đang sống trên một trái đất của trọng lực. Và để có thể bước đi về phía trước, đầu tiên ta cần phải giữ cân bằng trên đó.
Cuộc sống cũng vậy, có những quy luật về sự cân bằng bạn sẽ không bao giờ có thể phá vỡ: làm việc và giải trí, cảm xúc vui và buồn, chia sẻ cho đi và nhận lại...
Dù bạn là người mơ mộng hay thực tế, hãy cùng xem qua 9 thói quen hàng ngày dưới đây, được xem là khiến bạn mất cân bằng trong cuộc sống, và thậm tệ hơn, về lâu dài, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường chinh phục thành công của mình:
1. Nghĩ về những chuyện tiêu cực nhiều hơn chuyện tích cực
Trong một ngày từ lúc thức đậy, uống cà phê, nói chuyện loanh quanh, làm việc cho tới lúc nghỉ ngơi, chúng ta có thể gặp rất nhiều chuyện, cả vui và buồn.
Bạn không thể nào kiểm soát hết được mọi thứ xảy đến với mình, nhưng suy nghĩ về nó là lựa chọn của bạn.
Những ngày bạn bị mất cân bằng, là những ngày có quá nhiều chuyện xấu xảy ra, khiến tâm trí bạn lấp đầy những suy nghĩ tiêu cực.
Suy nghĩ tiêu cực khi kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, đến một lúc nó có thể trở thành tính cách của bạn: nhìn cái gì cũng thấy tiêu cực, và bạn thích than phiền.
Đừng để chuyện đó xảy ra. Khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu bạn ngay những ngày đầu tiên, hãy biết cách thay thế nó bằng những suy nghĩ tích cực hơn: nghĩ về nó là một bài học, hoặc chia sẻ nó với người thân. Bạn sẽ lấy được sự cân bằng cần thiết trong ngày.
2. Mơ mộng nhiều hơn hành động thực tế
Mơ mộng giúp bạn thêm sáng tạo. Suy nghĩ vẩn vơ có thể giúp bạn sống lạc quan hơn.
Nhưng lựa chọn sống mơ mộng nhiều hơn thực tế sẽ khiến bạn trở nên mất cân bằng về định hướng cuộc sống.
Hãy làm một công việc đụng tay chân. Hãy thực hiện hết phần trách nhiệm gắn liền với cuộc sống bạn đang có. Khi đó, dù bạn có mơ mộng như thế nào, thế giới xung quanh cũng kéo bạn lại, và giúp bạn có những mục tiêu về tương lai thực tế hơn.
3. Không dám đưa ra đề nghị một sự giúp đỡ từ người khác
Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể một mình tạo ra những thành tựu to lớn, thì bạn đã nhầm.
Hàng ngày, từng hành động cũng như thái độ sống của bạn như một nước cờ vậy. Và bạn sẽ thua ngay từ những nước đầu tiên, khi bạn kiêu ngạo nghĩ rằng mình không cần ai giúp đỡ.
Hãy thừa nhận mặt hạn chế của mình, rằng bạn cũng cần giúp đỡ từ những người xung quanh, cả vật chất lẫn tinh thần.
4. Nói nhiều hơn là làm
Làm ở đây có nghĩa là thực hiện những điều bạn nói. Làm không những giúp bạn thực hiện những mục tiêu, nó còn giúp bạn dứt điểm những lo lắng hàng ngày.
Tối về khi đi ngủ, bạn không còn bận tâm những lời hứa cũa mình đưa ra. Để sáng mai khi thức dậy, bạn có thể tự tin nghĩ đến những công việc bạn cần làm trong ngày hôm đó.
5. Nghĩ ra nhiều điều mới lạ, nhưng không dám chia sẻ
Thất bại có từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng gốc rễ của nó bắt nguồn từ tính cách ngạo mạn.
Thời buổi mạng xã hội, những ý tưởng thoáng qua của bạn khi được chia sẻ một cách chân thật, ít nhiều bạn cũng sẽ nhận lại được những phản hồi vừa thật lòng mà còn từ những góc độ khác nhau.
Đó có thể là ý kiến gia đình, ý kiến đồng nghiệp, ý kiến của sếp. Mỗi người đều có một góc nhìn, dù xấu hay tốt, họ cũng đập vô mặt bạn một cách nhìn rõ hơn về ý tưởng của bạn, khi bạn thật lòng chia sẻ.
Để biến ý tưởng của bạn thành hiện thực, bạn còn cần trải qua quá trình thực thi nó. Nếu bạn cứ muốn giấu ý tưởng của mình, bạn càng nặng đầu vì nghĩ về cách làm nó mà không thoát ra được. Ngày qua ngày, bạn càng gặp nhiều khó khăn trong đời sống của mình.
6. Dễ dàng với bản thân, nhưng lại khó khăn với người khác
Chúng ta dễ dàng thấy được tật xấu của người khác, và chúng ta có thể cảm thấy khó chịu về những tật xấu đó rất lâu.
Nhưng khi bản thân ta vô tình phạm một lỗi, ta thường cho qua.
Một mối quan hệ tốt là khi bạn thể hiện được những mong đợi của bạn về người khác ngang bằng với mong đợi về chính mình.
Hàng ngày, những công việc cũng như trách nhiệm có thể đan chéo nhau tạo ra những áp lực, thì thái độ tích cực và công bằng sẽ giúp chính bạn và những người xung quanh có động lực làm tròn bổn phận của mình hơn.
7. Tiếp xúc với những người tâm lý yếu
Hãy để những người tâm lý yếu tự cải thiện họ, bạn sẽ không bao giờ giúp đỡ được họ như bạn thường nghĩ đâu.
Điều tồi tệ có thể xảy ra là khi bên cạnh những người tâm lý yếu, bạn còn bị lây tính tự ti cũng như những suy nghĩ tiêu cực từ những người đó.
8. Theo đuổi xu hướng, thay vì theo đuổi những kỹ năng phù hợp với bản thân mình
Khả năng của bạn có thể làm nhiều công việc, nhưng không có nghĩa là bạn nên làm nó.
Đáng lẽ bạn nên dành thời gian hàng ngày theo đuổi một kỹ năng phù hợp với tính cách và lựa chọn nghề nghiệp của mình, thì bạn lại theo đuổi những kỹ năng theo xu hướng, khi mọi người đang hướng về.
Trong chốc lát, bạn không thể theo kịp mọi người, mà cũng không thể quay lại với những gì mình có thể giỏi. Thời gian để bạn có thể tìm lại chính mình là rất lâu.
9. Phân vân giữa thành công và thất bại trước những rủi ro
Một là bạn nghĩ rằng mình thành công. Còn không thì nghĩ rằng mình đã thất bại, nhưng vẫn cứ làm. Đó là tâm lý cân bằng nhất khi bạn đối mặt với một sự việc có tính may rủi.
Giống như bạn đầu tư tiền vào một dự án riêng, hay mở một quán cafe, hay đi đòi nợ. Khi bạn chắc chắn thắng, thì nghĩ rằng mình đã thắng. Còn không thì nghĩ rằng mình đã mất đi một món tiền rồi, và vẫn cứ theo.
Một ngày trôi qua của bạn rất ngắn ngủi, hãy dứt khoát nghĩ về những chuyện may rủi để tiết kiệm thời gian của mình.
Một cuộc nói chuyện kì kèo với đồng nghiệp, một lời mời cô bạn gái cho buổi hẹn hò, một deadline vào cuối giờ. Dù đó chỉ là chuyện nhỏ như thế nào, hãy tập thói quen dứt khoát tâm thế của mình. Khi bạn đối mặt với những mục tiêu lớn hơn, bạn vẫn đủ tự tin để hoàn thành một cách trọn vẹn nhất.