ACV cho biết, việc giảm giá cất hạ cánh sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không trong nước, và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình hoạt động của công ty.
Cụ thể, ACV cho biết, năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép áp dụng mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa.
Trong năm 2021, dù đã giảm giá cất hạ cánh, nhưng doanh thu của ACV vẫn đủ bù đắp chi phí khai thác, chi phí bảo trì, bảo dưỡng và phần chênh lệch còn lại ACV đã nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Tuy nhiên, ACV cho biết, ACV chỉ là đơn vị được giao khai thác 22 cảng hàng không, nguồn thu là của Nhà nước, nên việc giảm giá cất hạ cánh vẫn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu ACV cho ý kiến về đề xuất giảm giá cất hạ cánh năm 2023 cho các hãng hàng không trong nước.
Vietnam Airlines, Vietjet đều đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh năm 2023.
Vietnam Airlines cho biết, mặc dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng khoảng 16% so với 2019 nhưng thị trường quốc tế năm 2022 mới chỉ phục hồi được khoảng 30% so trước dịch. Hơn nữa, thực tế năm 2022 và dự kiến năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới.
Do vậy, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn đối với ngành hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019.
Do đó, Vietnam Airlines kỳ vọng Chính phủ có thêm các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không. Một trong đó là tiếp tục hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2022 và 2023 như đã được áp dụng trong giai đoạn 2020-2021.