Ai đang tạo nên “ma trận phí” thẻ tín dụng ở Việt Nam?

Với nhiều lợi ích, đặc biệt lợi ích về phí, thẻ tín dụng nội địa đang nhận được sự đón nhận rất lớn từ phía người tiêu dùng. Giảm đầu phí trên mỗi thẻ cũng là một yếu tố cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế...
Ai đang tạo nên “ma trận phí” thẻ tín dụng ở Việt Nam?

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia và Báo Lao Động tổ chức cho thấy, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ đã triển khai thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% về số lượng so với năm 2019.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475 nghìn thẻ, tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, số liệu trên phần nào đã thể hiện cho những nỗ lực của các tổ chức phát hành thẻ trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mạnh, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân.

Riêng tại VietinBank, ông Khoa cho biết, ngân hàng đã chung tay cùng Napas phát triển những dòng thẻ nội địa và thấy rằng, khách hàng rất đón nhận sản phẩm này. Bởi lẽ, khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, cả nhà phát hành thẻ và khách hàng đều phải trả những chi phí rất lớn.

Trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Cụ thể, Visa thu 270 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 102 đầu phí, thu từ mảng phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí). Mastercard thu 268 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 54 đầu phí, thu mảng phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí).

“Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí mà chúng tôi hay gọi là ma trận phí hay phí chồng phí. Điều này khiến ngân hàng phải tăng chi phí hoạt động, khách hàng cũng phải tăng phí duy trì cho mục đích tiêu dùng trong nước. Do đó, phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ là phương thức phá bỏ ma trận phí thẻ tín dụng”, ông Khoa nói.

Chung quan điểm, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoặc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…), đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.

“Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa”, ông Tuyên chia sẻ.

Ngoài yếu tố về phí, ông Tuyên còn nhận thấy, thẻ tín dụng nội địa còn có thêm 3 lợi thế khác để thu hút khách hàng.

Thứ nhất, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể kể ra như: thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ.

Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Thứ hai, tất cả các tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng.

Thứ ba, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giúp thị trường có thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Vừa qua, một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...