Amazon tính mua Whole Foods: “Cơn địa chấn với bán lẻ truyền thống”

Amazon, hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới đang làm việc với chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods trong thương vụ thâu tóm trị giá 13,7 tỷ USD.
Amazon tính mua Whole Foods: “Cơn địa chấn với bán lẻ truyền thống”

Cụ thể, theo hãng tin CNBC, Amazon dự kiến thâu tóm cổ phần Whole Foods với giá 42 USD/cổ phiếu, và hoàn tất thương vụ này trong năm 2017.

Amazon cho biết, sau thương vụ, Whole Foods vẫn giữ tên thương hiệu và hoạt động như một chi nhánh của Amazon, cũng như giữ nguyên trụ sở tại Austin, bang Texas. Tổng giám đốc Whole Foods, ông John Mackey sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí.

Nếu hoàn tất, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của Amazon. Đồng thời, đây cũng là một trong những thương vụ lớn nhất lịch sử ngành siêu thị Mỹ.

Nhiều ý kiến trong giới phân tích nhận định, thương vụ này như một cơn địa chấn dội vào phân khúc bán lẻ thực phẩm Mỹ cũng như bán lẻ truyền thống trên khắp thế giới.

Chiều 16/6, sau khi thông tin về thương vụ được tiết lộ, cổ phiếu Whole Foods sụt 28%. Mức giá thâu tóm của Amazon cao hơn 27% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 15/6 của cổ phiếu Whole Foods. Trong khi đó, cổ phiếu Amazon tăng khoảng 3% sau thông tin về thương vụ được công bố.

Thông tin hãng thương mại điện tử khổng lồ mua lại Whole Foods khiến giá cổ phiếu của hàng loạt cửa hàng thực phẩm biến động mạnh.

Sau phiên giao dịch ngày thứ 6, cổ phiếu Kroger giảm gần 11%, Supervalu giảm 13% trong khi cổ phiếu Costco và Sprouts Farmers lần lượt bay hơi 5,8% và 5,2%. Cổ phiếu Wal-Mart cũng giảm 5%, bất chấp việc công ty này công bố thương vụ mua lại hãng thời trang nam Bonobos hôm thứ 6.

Trước đó, Whole Foods cũng phải chịu nhiều áp lực khi doanh nghiệp này đứng trước tình hình kinh doanh ảm đạm và phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng.

"Thương vụ này sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông Whole Foods, đồng thời cải tiến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mua sắm cho khách hàng của chúng tôi”, Tổng giám đốc Whole Foods cho biết trong một thông báo.

Về phía Amazon, từ lâu hãng thương mại điện tử khổng lồ này luôn muốn mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm. Dù ngày càng có nhiều người chuyển sang mua hàng qua mạng, nhưng mảng kinh doanh thực phẩm trực tuyến của Amazon chưa thực sự hiệu quả. Theo hãng dịch vụ tài chính Cowen & Company., năm 2016, chỉ 12% người tiêu dùng Mỹ mua thực phẩm qua mạng.

Do vậy, Whole Foods sẽ là điểm cộng cho Amazon, cho phép họ mở rộng sang phân khúc kinh doanh thực phẩm trực tuyến.

Whole Foods thành lập năm 1978, là chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ với hơn 460 cửa hàng và 87.000 nhân viên tại Mỹ, Canada và Anh.

Ngành bán lẻ truyền thống tại Mỹ hiện phải đối mặt với làn sóng phá sản lớn chưa từng thấy. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, đã có 14 chuỗi bán lẻ Mỹ xin bảo hộ phá sản, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho biết.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…