Trước đây, AMD hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo, vì sao công ty lại chuyển sang lĩnh vực khai thác đá, thưa ông?
Trước khi chọn đầu tư sang lĩnh vực này, bản thân tôi và các cộng sự suy nghĩ rất nhiều. Nếu làm trong lĩnh vực truyền thống cũ, AMD sẽ rất khó có được tốc độ tăng trưởng mạnh, nên mở rộng lĩnh vực hoạt động là điều cần thiết.
Trong quá trình làm việc với các bên và trải nghiệm thực tế, tôi thấy nhu cầu sử dụng đá ốp lát ngày một một lớn, nhất là các dự án cao cấp. Ở Việt Nam gần như phải nhập khẩu 100% loại đá này, với chi phí khá cao, nhưng nếu xét về chất đá thì không bằng so với một số mỏ đá của Việt Nam đang có.
Trong khi đó, các mỏ đá của Việt Nam hiện nay có chất đá tốt, thậm chí vượt trội ở độ chịu lực, độ bền màu, chống thấm nước và có những gam màu rất đẹp, nhưng công nghệ khai thác thô sơ, lạc hậu, nên đá khai thác được chủ yếu dùng làm đá xây dựng, bán với giá rất thấp.
Tôi cho rằng, tài nguyên quốc gia thì có giới hạn và thế giới làm được thì mình cũng làm được. AMD mất gần 2 năm để nghiên cứu, học hỏi và lựa chọn công nghệ. Giai đoạn đầu rất vất vả, nhưng đến bây giờ thì mọi thứ từ vận hành sản xuất đến khách hàng đã vào guồng.
Vậy thế mạnh trong khai thác mỏ của AMD chính là công nghệ?
Đúng vậy, đó là sự khác biệt của AMD, nhưng chưa đủ. Hiện tại, AMD có 2 nhà máy sản xuất đá và 3 mỏ đá, cùng một số mỏ đá khác đang trong giai đoạn xin cấp phép. Lợi thế đầu tiên của chúng tôi chính là việc lựa chọn và sở hữu thành công các mỏ đá trữ lượng lớn, với chất đá đẹp (gồm cả tiêu chuẩn chất lượng và màu sắc) và vị trí đẹp.
Thêm vào đó, chúng tôi đầu tư công nghệ nên có thể tạo ra sản phẩm đá ốp lát đạt chuẩn chất lượng cao nhất. Ngay như một mỏ chúng tôi đang khai thác, trước khi AMD vào, mọi người đều cho rằng, mỏ này chỉ phù hợp để nổ mìn và làm đá xây dựng thông thường.
Thế nhưng, sau khi đưa công nghệ khai thác hiện đại, dùng máy cắt dây kim cương, chúng tôi cho ra những khối đá có khổ lớn. Sau chế tác, các sản phẩm có màu sắc rất đẹp, mịn và độ bóng cao, khiến ai trông thấy cũng phải ngạc nhiên. Đặc biệt, độ thấm nước của sản phẩm gần như bằng không, rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam. Công nghệ chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt trong tình huống này.
Nếu khai thác đá theo cách thông thường, đá sẽ chỉ dùng làm đá xây dựng, có tỷ lệ thu hồi đá khối thấp. Khi áp dụng công nghệ hiện đại, các sản phẩm có chất lượng cao, vượt trội về nhiều mặt so với hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, lợi thế của AMD là không phải vận chuyển xa, giúp mức giá cạnh tranh hơn. Mặt khác, mọi sản phẩm của quá trình này đều được tận dụng như đá vụn được bán để làm đá xây dựng, bột đá dùng làm gạch không nung, giúp công ty tối đa được hiệu quả khai thác mỏ. Hiện nay, giá bán của AMD chỉ bằng 1/2 đến 2/3 giá hàng nhập khẩu, nhưng chất lượng đá thì hơn hẳn.
Ông có thể chia sẻ thị trường chủ yếu của AMD hiện nay? Đầu tư quy mô lớn có khiến Công ty bị áp lực khấu hao?
Chúng tôi đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nhà máy sản xuất đá, nên công suất sản xuất là rất lớn. Điều này không tránh khỏi áp lực bán hàng lên hệ thống, nhưng đến thời điểm này, AMD đã ghi nhận được những kết quả rất tốt.
Với thị trường trong nước, AMD đang cung cấp cho các dự án của Tập đoàn FLC, bao gồm FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn; T&T, Ecopark… Hiện tại, một số nhà thầu lớn tại Việt Nam đã bắt đầu sử dụng sản phẩm của chúng tôi, thay thế hàng nhập khẩu.
Với yếu tố cạnh tranh tuyệt đối về giá và chất lượng, vấn đề duy nhất mà AMD gặp phải là thông tin về việc Việt Nam có loại đá chất lượng tốt như vậy vẫn khá hạn chế, nên chúng tôi phải mất thời gian đi tiếp cận khách hàng trực tiếp.
Ngoài bán trong nước, AMD cũng đã bán được ra thị trường nước ngoài, trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore và Bangladesh. Dự kiến, trong thời gian tới, doanh số từ xuất khẩu của AMD sẽ tăng mạnh.
Theo Uyên Phạm/ TNCK
>> AMD bật tăng 31%, nghi vấn rò rỉ tin FLC Faros mua lại 25% vốn của “ đại gia” khoáng sản AMD?