Trái ngược với việc sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu với sản phẩm của Malaysia, thì một thành viên khác của CPTPP là Canada đã yêu cầu Vương quốc Anh bỏ quy định chống nhập khẩu thịt bò nuôi bằng hormone tăng trưởng dù Chính phủ Anh đã từ chối yêu cầu đó và thay vào đó sẽ cấp hạn ngạch mới cho thịt bò không có hormone.
Theo đánh giá, động thái trên của Chính phủ Anh là một thành công của Malaysia trong quá trình đàm phán với Anh về việc bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 12% đối với sản phẩm dầu cọ xuống mức 0 ngay lập tức khi Anh tham gia CPTPP của nước này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do mỗi thành viên của CPTPP có quyền phủ quyết đối với các quốc gia mới tham gia hiệp định. Vì thế, Vương quốc Anh đã ở thế nhượng bộ trong việc cố gắng chống lại các yêu cầu thay đổi chế độ thuế quan.
Một số chuyên gia đánh giá, dù lợi ích kinh tế mà nước Anh thu lại từ việc gia nhập CPTPP có thể không quá lớn, nước này đã thúc đẩy việc sớm gia nhập hiệp định như một minh chứng về chính sách thương mại độc lập thời hậu Brexit.
Ngày 27/2/2023 tại Phú Quốc, Việt Nam phiên đàm phán về việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP được tổ chức, với sự tham dự của 11 nước thành viên CPTPP gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Vương Quốc Anh.
Tại phiên đàm phán, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và đề nghị tất cả các nước cùng nỗ lực để có một phiên đàm phán thành công, hướng tới việc sớm hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh.
Trước đó vài ngày (tức ngày 22/2/2023) cùng với việc các nước thành viên đón chào Chile đã chính thức gia nhập CPTPP, các nước thành viên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng với Vương quốc Anh (UK) để thảo luận về tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của nước này.
Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Shigeyuki Goto – Chủ tịch Nhóm công tác đàm phán gia nhập với UK - với sự tham gia của Bộ trưởng và quan chức cấp cao các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam cùng Bộ trưởng phụ trách Kinh doanh và Thương mại của Vương quốc Anh.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ phối hợp tích cực với các nước trong CPTPP để sớm kết thúc việc đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh trên tinh thần vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn cao của hiệp định.
CPTPP gồm 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.
Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Ngày 01/02/2021, Vương quốc Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đến tháng 6/2021, Hội đồng CPTPP quyết định khởi động quy trình gia nhập của Vương quốc Anh.
Theo đó, các nước đã thành lập Nhóm đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh với Nhật Bản giữ vai trò Chủ tịch nhóm. Trong thời gian qua, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, khác biệt về múi giờ cũng như diễn biến địa chính trị quốc tế không thuận lợi nhưng tiến trình đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh vẫn được thúc đẩy liên tục, đều đặn với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia rất lớn từ tất cả các nước.
Sự tham gia của Vương quốc Anh - một trong những cường quốc kinh tế với trình độ phát triển hàng đầu thế giới sẽ không chỉ mang lại cơ hội về thương mại và đầu tư cho mỗi nước, mà còn khẳng định vị thế của CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế khu vực của thế kỷ 21.