Áp lực tỷ giá tác động tiêu cực đến VN-Index và kỳ vọng nhà đầu tư

Nhóm chuyên gia từ VDSC dự báo VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 trong tháng 6. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ty-gia-co-phieu-1-1753.jpeg

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư tháng 6/2024. Theo VDSC, khi những cơn gió ngược qua đi, thị trường chứng khoán đã lấy lại điểm số một cách mạnh mẽ trong tháng 5/2024.

Kết quả kinh doanh quý 1 vượt ngoài mong đợi là nền tảng cho sự phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát tại Mỹ trở lại quỹ đạo hạ nhiệt đã củng cố niềm tin cho thị trường toàn cầu cũng như trong nước về triển vọng cắt giảm lãi suất của FED.

VN-INDEX SẼ GIAO DỊCH TRONG BIÊN ĐỘ 1.250-1.320

Bước sang tháng 6/2024, khi mùa kết quả kinh doanh quý 2 vẫn chưa sôi động, những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước vẫn là những nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán.

Ở khía cạnh này, VDSC nhận thấy rằng dữ liệu vĩ mô Việt Nam mới đây ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý 2 khả quan. Về thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá, VDSC kỳ vọng lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường.

anh-chup-man-hinh-2024-06-07-luc-141256-478.png

Trong tháng này, tâm điểm thị trường sẽ hướng về các cuộc họp “quyết định lãi suất” của các ngân hàng trung ương lớn bao gồm BoC, ECB, BoJ, FED, và BoE. VDSC kỳ vọng BoC, ECB, và BoE sẽ lần lượt thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 2 năm, trong khi đó FED vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại nhưng thông điệp đưa ra sẽ “bồ câu” hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây.

“Cuối cùng, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu. Nếu được thông qua trong tháng 6, sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản (chiếm 14% vốn hóa rổ VN-Index) có thể tác động tích cực đến thị trường”, báo cáo nêu.

anh-chup-man-hinh-2024-06-07-luc-141337-7487.png

Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia từ VDSC đưa ra kịch bản rằng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 trong tháng 6. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây.

Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến Ngân hàng Nhà nước khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường.

BA MÃ CỔ PHIẾU ĐƯỢC KHUYẾN NGHỊ MUA TRONG THÁNG 6

Trong báo cáo chiến lược, VDSC đã khuyến nghị 3 cổ phiếu tiềm năng đầu tư trong tháng 6, bao gồm: HPG, GDA và IMP.

Trong tháng 4, sản lượng bán hàng thép xây dựng của HPG đạt 471 nghìn tấn, tăng 120% so với năm trước và được kỳ vọng có thể duy trì mức tiêu thụ này trong các tháng còn lại của quý 2 khi các dự án bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công tăng hoạt động xây dựng cùng hoạt động tích trữ hàng tồn kho trước mùa mưa bão.

“Qua đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận của HPG trong quý 2/2024 có thể đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 8% do quý trước doanh nghiệp ghi nhận 373.5 tỷ đồng lợi nhuận khác từ thanh lý tài sản.

Trong khi đó, GDA là doanh nghiệp tôn mạ có thị phần lớn thứ 2 trên cả nước (chiếm 18% thị phần tôn mạ nội địa trong năm 2023), và sản lượng xuất khẩu chiếm 60% tổng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp với các thị trường trọng điểm bao gồm EU và Bắc Mỹ.

Trong 4 tháng đầu 2024, sản lượng xuất khẩu đạt 186 nghìn tấn, tăng 31% so với cùng kỳ và sản lượng nội địa đạt 100 nghìn tấn (tương đương cùng kỳ, trong đó sản lượng tháng 4 đã tăng 75% so với sản lượng trung bình hàng tháng trong quý 1). Với kì vọng sản lượng bán hàng quý 2 đạt 228 nghìn tấn, lợi nhuận sau thuế của GDA tương ứng trong quý ước đạt 108 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, ước tính lợi nhuận sau thuế có thể đạt 360 tỷ đồng. Tại mức P/B 0,8 lần và ROE 2024F là 9,8%, VDSC cho rằng cổ phiếu GDA đang được giao dịch ở mức định giá tương đối thấp so với các công ty tôn cùng ngành.

Từ đầu năm 2024, Luật đấu thầu quy định về việc sử dụng thuốc nội địa khi có ba nhà sản xuất trong nước đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, trong 93 sản phẩm được Bộ Y tế đưa vào danh mục thuốc đấu thầu thì IMP sở hữu 12/93 thuốc thuộc phân khúc nhóm 1 và 2. Điều này giúp công ty tham gia đấu thầu rộng rãi hơn trên kênh ETC. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, giá trị trúng thầu của IMP đạt 573 tỷ đồng.

“Chúng tôi kỳ vọng kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu năm 2024 của IMP. Cho quý 2/2024, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của IMP lần lượt đạt 500 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.

VDSC lưu ý rằng nhà máy IMP4 được đưa vào sản xuất từ nửa cuối năm 2023 nên kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 sụt giảm so với cùng kỳ chủ yếu do phản ánh các chi phí của nhà máy này. Điểm tích cực là kết quả kinh doanh quý 2 đã cải thiện so với quý đầu năm, phản ánh hiệu suất hoạt động tăng lên tại IMP4.

“Cho cả năm 2024, chúng tôi kỳ vọng kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty, khi mức doanh thu từ kênh này ước đạt 1.185 tỷ đồng trong năm 2024. Theo đó, cho cả năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của IMP lần lượt đạt 2.316 tỷ đồng và 352 tỷ đồng”, báo cáo chỉ rõ.

Theo dòng câu chuyện kết quả kinh doanh quý 2 khả quan, VDSC cho rằng cổ phiếu thuộc các nhóm ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, hàng không, ngân hàng cũng là những cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

Có thể bạn quan tâm