Cụ thể, từ ngày 13/7 bà Vũ Đặng Hải Yến đã nộp đơn tới Hội đồng quản trị FLC đề nghị được thôi giữ chức Phó tổng giám đốc “vì một số lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhiệm được công việc”.
Ngay sau đó, HĐQT Tập đoàn FLC đã chấp thuận đề nghị được từ chức của bà Vũ Đặng Hải Yến kể từ ngày 14/7.
Trước đó, ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT; từ ngày 29/3/2022 đến ngày 02/4/2022 đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết và 2 đồng phạm khác gồm Trịnh Thị Mai Huế và Trịnh Thị Thúy Nga) về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các đối tượng liên quan.
Trịnh Thị Mai Huế và Trịnh Thị Thuý Nga đều là em gái của bị can Trịnh Văn Quyết. Trịnh Thị Thúy Nga trước khi bị bắt giữ chức Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty CP Chứng khoán BOS còn Trịnh Thị Mai Huế là cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC.
Đến ngày 7/4, C01 tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh cùng với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS; Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS.
Ngay sau khi có thông tin, ông Trịnh Văn Quyết đã kịp thời tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.
Theo đó, bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty.
Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.
Mới đây, HOSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/07/2022, do FLC chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Về nguyên nhân FLC công bố nguyên nhân chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 là do báo cáo tài chính hàng năm là một trong những nội dung thảo luận và thuộc thẩm quyền phê duyệt của Đại hội dồng cồ đông thường niên theo quy định tại khoán 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên hiện nay, các Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty chưa được phát hành do Công ty chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp trong danh sách các đơn vị kiểm toán được ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để thực hiện việc kiềm toán các báo cáo tài chính.
Vì vậy, Tập đoàn FLC chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu họp để tổ chức Đại hội đồng cồ đông thường niên năm 2022 theo quy định. Ngay sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu họp trình Đại hội đồng cồ đông xem xét, Tập đoàn FLC sẽ triệu tập cuộc họp Đại hội dồng cổ đông thường niên năm 2022 trong thời gian sớm nhất.