Bàn tay những "ông lớn" trong Liên doanh VINAPON

HUD dùng 3.090m2 “đất vàng” tại khu Voi Phục (Hà Nội) được Nhà nước giao để góp vốn vào Công ty Liên doanh VINAPON - Một công ty có “hình bóng” bàn tay của những "ông lớn".

Nhà nước giao đất 30 năm, nhưng đi liên doanh 35 năm

Trước năm 2011, Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước (thuộc Bộ Xây dựng), nổi lên với thế mạnh phát triển các dự án khu đô thị, khu nhà ở…

Tuy nhiên, sau 2011, HUD gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí mắc nhiều sai phạm tại các địa phương. Năm 2015, Thanh tra chính phủ chỉ ra giai đoạn trước 2011, HUD đã đầu tư nhiều dự án vượt xa khả năng tài chính, quản trị dẫn đến việc chậm trễ triển khai.

Đồng thời, theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những khu “đất vàng” Nhà nước giao cho HUD đã được “ông lớn” này đưa vào liên doanh, liên kết với tư nhân. Cụ thể là khu đất 649 Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội) rộng 3.090m2 và được nhà nước giao trong vòng 30 năm.

Năm 2011, HUD đã tham gia đầu tư vào Công ty Liên doanh VINAPON với 2 nhà đầu tư Nhật Bản (Tubaki và Raikai). Đáng chú ý, HUD dùng chính quyền sử dụng 3.090 m2 đất Voi Phục vào đầu tư góp vốn.

Theo thỏa thuận, thời gian hoạt động của Liên doanh VINAPON lên đến 35 năm. Đồng nghĩa, Liên doanh VINAPON vượt quá cả thời hạn nhà nước giao cho HUD. Sau khi kết thúc, toàn bộ tài sản cố định của Công ty Liên doanh VINAPON sẽ chuyển giao không bồi hoàn cho HUD.

Công ty Liên doanh VINAPON được Uỷ Ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư SCCI (nay là Bộ kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép Đầu tư ngày 22/07/1995.

Phóng viên đã liên hệ và gửi câu hỏi về nội dung này cho HUD và VINAPON nhưng đều không nhận được câu trả lời. 

Liên doanh VINAPON
Công ty Liên doanh VINAPON đã xây dựng Tòa nhà V Tower và hiện làm toà nhà cho thuê văn phòng

Được biết, Liên doanh VINAPON đăng ký ngành nghề kinh doanh là bất động sản. Cụ thể hơn, chính là đầu tư xây dựng tòa nhà tại 649 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội, để cho thuê văn phòng, căn hộ. Hiện, toà nhà có tên là Tòa nhà V Tower.

Tiếp tục chuyển nhượng cổ phần

Sau khi, liên doanh này được hình thành thì dần dần có những biến động với sự tham gia của những "ông lớn" và những cuộc chuyển nhượng cổ phần đầy kín kẽ.

Đầu tiên, chỉ 1 năm sau khi thành lập Liên Doanh VINAPON, Công ty Tubaki Capital – nhà đầu tư Nhật Bản, một trong 3 chủ sở hữu đã góp thêm 2.000.000 USD vào liên doanh. Lúc này, tỷ lệ sở hữu của HUD tại Liên doanh VINAPON đã giảm từ 37,23% xuống còn 27,3%, còn 2 nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 72,7%.

10 năm sau (năm 2021), 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Tubaki và Raikai đã rút toàn bộ vốn khỏi Liên doanh VINAPON và chuyển nhượng hoàn toàn cho 2 nhà đầu tư Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến là Công ty CP Đầu tư Năng lượng Nam Phương (Namphuong Energy) "đặt chân" vào VINAPON. Cụ thể, ngày 23/8/2021 Công ty CP Đầu tư Năng lượng Nam Phương (Namphuong Energy) đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm.

Namphuong Energy cho biết, việc phát hành trái phiếu nhằm nhận chuyển nhượng cổ phần và mua cổ phần,... tại một số công ty. Trong đó có nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Liên doanh VINAPON.

Như vậy có thể thấy, Namphuong Energy đã “đặt chân” vào VINAPON để hợp tác với HUD tại 3.090m2 “đất vàng” tại khu Voi Phục (Hà Nội), với tỷ lệ nắm giữ lên đến 63,9%, tương đương 72,4 tỷ đồng. Điều đáng nói, Namphuong Energy có mối quan hệ khá mật thiết với 2 "ông lớn" của Việt Nam, trong đó có BBGroup.

Tiếp đến, nhà đầu tư Nhật Bản bán nốt cổ phần cho Công ty CP BWB, với giá 7,2 tỷ đồng, chiếm 8,8% cổ phần tại VINOPON.

Như vậy, hiện nay, Công ty Liên doanh VINAPON đã chuyển hoàn toàn từ hợp tác liên doanh với nước ngoài sang nhà tư nhân của Việt Nam. Cụ thể, gồm có 3 nhà đầu tư chính: HUD, Namphuong Energy và BWB.

“Bóng dáng” những ông lớn

Vậy tại sao lại nhắc tới 2 hệ sinh thái này trong Liên doanh VINAPON?

BBGROUP
Toà nhà biểu tượng của BBGroup

Đầu tiên phải kể đến Tổng Giám đốc Công ty VINAPON. Trước đây, Tổng Giám đốc Công ty VINAPON chính là ông Vũ Quang Bảo - Người sáng lập Tập đoàn BB Group, với hàng loạt các công ty con.

Ví như: Công ty CP BB Group, Công ty CP BB Power Holdings, Công ty CP BB Land Holdings, Công ty CP BBLAND, Công ty CP BB Hydro Power Đắk PSI, Công ty CP gang thép BB CIM Holdings,…

Đến nay, người kế nhiệm vị trí này của ông Bảo là ông Đặng Mạnh Cường, cũng chính là người đại diện uỷ quyền của Namphuong Energy. Và ông Cường cũng là người đại diện của hàng loạt doanh nghiệp liên quan đến BB Group.

Đầu tiên, ông Đặng Mạnh Cường là Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Mỹ An - chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen Resort và đại diện theo pháp luật Công ty CP Bất động sản Minh Điền - chủ đầu tư Khu đô thị cao cấp The Manor Crown Huế. Các doanh nghiệp này đều thuộc một Tập đoàn lớn và có liên quan đến ông Vũ Quang Bảo.

Ông Đặng Mạnh Cường cũng là Tổng Giám đốc, kiêm đại diện pháp luật Công ty CP Điện gió Hanbaram – chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hanbaram. Là đại diện theo pháp luật Công ty CP Năng lượng Gió Thành và Công ty CP Seco là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 1 (50MWp) và Gio Thành 2 (50MWp) tại Quảng Trị;

Tiếp đó, ông Cường còn là đại diện theo pháp luật cho Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam – chủ đầu tư dự án Điện Mặt Trời Đầm Trà Ổ (Bình Định). Các dự án năng lượng trên thuộc Tập đoàn BB Group

Theo BBGroup giới thiệu, BBGroup tự hào là một trong những Tập đoàn kinh tế đa ngành tiên phong trong công cuộc đổi mới của nền kinh tế Việt Nam. BBGroup đầu tư và hoạt động trong 6 lĩnh vực mũi nhọn của nước nhà gồm: Năng lượng tại tạo, bất động sản, khai khoáng, công nghiệp khí, xây dựng và hàng tiêu dùng.

Riêng lĩnh vực  năng lượng, BBGroup sở hữu danh mục năng lượng tái tạo lên đến gần 1000MW trong thời gian ngắn. Năm 2022,  đặt mục tiêu đầu tư và vận hành tổng công suất gần 2000MW.

BBGroup đang sở hữu Nhà máy điện gió Hanbaram, Nhà máy điện mặt trời Hồng  Phong, Nhà máy điện mặt  trời Gio Thành 2, Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2.

Đồng thời, BBGroup đang tiến hành các thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghiệp khí và Cảng tổng hợp BBG Quảng Trị tại tỉnh Quảng Trị.

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghiệp khí và Cảng tổng hợp BBG Quảng Trị gồm: Dự án Trung tâm công nghiệp khí Hải Lăng - Quảng Trị có diện tích dự kiến khoảng 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, tương đương với 115.500 tỷ đồng;

Được thành lập vào tháng 4/2017, BBGroup của ông Vũ Quang Bảo đặt trụ sở chính tại địa chỉ tháp The Manor, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Mới đây ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo xem xét dừng thực hiện 02 dự án của HUD tại huyện Mê Linh là: Khu đô thị mới Mê Linh – Đại Thịnh và Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 tại xã Đại Thịnh, Thanh Lâm với tổng diện tích khoảng 202,489ha.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…