Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản.
Công văn cho biết, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ. Thay vào đó, bảng giá đất được cập nhật hàng năm, xác định giá sát với thị trường căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng...
Bảng giá đất được sử dụng để tính tiền sử dụng, thuê, thuế sử dụng đất, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tính lệ phí quản lý, tiền phạt, bồi thường khi vi phạm trong lĩnh vực đất đai và giá khởi điểm để đấu giá.
Do đó, Bộ Xây dựng nhận định, bảng giá đất mới sát thị trường sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng các dự án, sẽ đẩy giá nhà lên cao so với trước đây.
Trong khi chi phí liên quan đến tiền sử dụng đất thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của dự án nhà ở, dao động 7 – 20% với dự án chung cư cao tầng và 25 – 50% với dự án biệt thự, liền kề. Mức này giữa các dự án có sự khác nhau do phụ thuộc vị trí, điều kiện thuận lợi của hạ tầng kỹ thuật. Còn chi phí bồi thường tài sản trên đất thường chiếm tỷ trọng không đáng kể, khoảng 2%, trong chi phí đầu tư xây dựng.
Cụ thể, tại khu nhà ở của GP Invest, chi phí tiền sử dụng đất tính trên giá bán 1m2 căn hộ sau khi áp dụng bảng giá đất mới sẽ tăng lên 22 triệu đồng/36 triệu đồng (chiếm khoảng 60%). Hiện tỷ lệ này chỉ khoảng 42%, tương đương 15 triệu đồng/36 triệu đồng.
Còn tại khu đô thị Đông Tăng Long, thuộc quận 9, TP.HCM, tỷ trọng chi phí sử dụng đất trên giá bán 1m2 căn hộ cũng dự kiến tăng từ 27% lên 60 - 65%.
Tỷ trọng này cũng leo thang tại dự án biệt thự khu đô thị Chánh Mỹ, Bình Dương, từ 16,3% lên khoảng 50%. Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) cũng tăng tiền sử dụng đất từ 15% lên 33% giá bán.
Bộ Xây dựng cho rằng, bảng giá đất mới sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng lên 15 – 20% so với trước.
Ngoài chi phí liên quan đến đất, giá thành của sản phẩm trong dự án bất động sản còn được cấu thành từ chi phí đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội - tiện ích, chi phí vốn vay, bán hàng, thuế...
Đa số các chi phí này được Bộ Xây dựng đánh giá "ít biến động", thậm chí chi phí vốn vay có xu hướng giảm theo mặt bằng lãi suất đã giảm chung. Do đó, các chi phí này không phải yếu tố làm thay đổi giá nhà ở thời gian qua.
Với tình hình trên, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi tình hình ban hành bảng giá đất mới của các địa phương, có giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của bảng giá đất đến mặt bằng giá nhà ở và cung cầu thị trường.
Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản giảm giá thành sản phẩm bằng cách rà soát tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng, đồng thời đẩy mạnh đầu tư dự án nhà xã hội, cải tạo chung cư cũ... phù hợp với đại đa số người dân.
Về việc giao và cho thuê đất thông qua đấu giá đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin - cho, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Việc này ngày càng được thực hiện phổ biến, mở rộng hơn về quy mô, tăng giá trị thu được qua các năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được thông qua việc giao và cho thuê đất thông qua đấu giá, Bộ Xây dựng đánh giá hoạt động này cũng bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức đấu giá, một số nơi có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện tượng trả giá rất cao một số lô rồi “bỏ cọc”, tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường hay mua đi, bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.
Gần đây xuất hiện một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và cũng có tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Theo phản ánh ban đầu, tại một số địa bàn ở Hà Nội, kết quả đấu giá và trúng đấu giá được ghi nhận ở mức rất cao như tại huyện Hoài Đức, mức trúng đấu giá cao gấp 18 lần giá khởi điểm
"Kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, quan hệ cung - cầu nhà ở, thị trường bất động sản", Bộ Xây dựng nêu.
Vì vậy, hệ lụy đầu tiên là mức giá trúng cao có thể lấy làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất tạo ra mặt bằng giá mới, thậm chí có thể cao hơn nhiều cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang bán ở gần nơi đấu giá bởi trên thực tế, giá trúng đấu giá thường là giá cơ sở để tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá để chuyển nhượng bất động sản.
Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bất động sản bình dân với giá thấp, mà bắt buộc phải làm nhà cao cấp, siêu sang mới có thể thu hồi vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Thứ tư, mặt bằng giá đất cao cũng góp phần khiến doanh nghiệp không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Điều này làm cho các dự án không thu hút được đầu tư xây dựng, gây suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.
Thứ năm, kết quả trúng đấu giá cao bất thường ảnh hưởng, gây khó cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội. Người dân có đất bị thu hồi cũng dễ bị kích động, có thể khiếu nại yêu cầu phương án bồi thường cao hơn, gây mất ổn định xã hội.