TP.HCM tạm thời áp dụng bảng giá đất hiện hành, gần 9.000 hồ sơ sẽ được khai thông

Với việc cho phép tạm thời sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới, gần 9.000 hồ sơ nhà đất tại TP.HCM bị tắc nghẽn từ 1/8/2024 đến nay sẽ được khai thông…

Các hồ sơ nhà đất tại TP.HCM sẽ được áp dụng theo bảng giá đất hiện hành
Các hồ sơ nhà đất tại TP.HCM sẽ được áp dụng theo bảng giá đất hiện hành

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký ban hành văn bản số 5635/UBND-ĐT về việc giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 như đã thực hiện trước ngày 1/8/2024 (Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 56/2023/QĐ-UBND ngày 21/12/2023) để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024 cho đến khi ban hành bảng giá đất mới.

UBND TP.HCM giao Cục Thuế Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 theo quy định pháp luật tính thu nghĩa vụ tài chính, thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất .

UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Thành phố cung cấp đầy đủ thông tin để Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông, nêu rõ các nội dung liên quan đến việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 và việc thực hiện tài chính, thuế về đất đai từ ngày 1/8/2024 cho đến khi ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM quy định bảng giá đất.

Đồng thời làm rõ các nhóm, đối tượng bị tác động ảnh hưởng, để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng về chủ trương chính sách, quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện.

Như vậy, với việc cho phép tạm thời sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới, gần 9.000 hồ sơ nhà đất tại TP.HCM bị tắc nghẽn từ 1/8/2024 đến nay sẽ được khai thông.

gia-dat-hcm.jpg
Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của UBND TP.HCM tăng cao, từ 10 – 30 lần, thậm chí có nơi tăng đến 50 lần so với bảng giá đất hiện tại

Trước đó, ách tắc hồ sơ nhà đất tại TP.HCM xuất phát từ quy định Luật Đất đai cho phép UBND cấp tỉnh được điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương áp dụng cho giai đoạn 1/8/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Về bảng giá đất trước 1/8/2024, TP.HCM áp dụng theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND thành phố. Do bảng giá đất này bị giới hạn quy định về khung giá đất theo quy định tại nghị định 96/2019/NĐ-CP và không phù hợp giá đất thực tế tại địa phương nên UBND TP.HCM phải ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực, từng mục đích sử dụng đất, phục vụ giải quyết hồ sơ về nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, khi Luật Đất đai có hiệu lực đã không còn quy định về hệ số K nữa nên UBND TP.HCM phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp, tiệm cận giá thị trường căn cứ vào nghị định 71/2024 về giá đất.

Tuy nhiên, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của UBND TP.HCM do Sở Tài nguyên và Môi trường soạn thảo tăng cao, từ 10 – 30 lần, thậm chí có nơi tăng đến 50 lần so với bảng giá đất hiện tại, giá đất ở cao nhất 810 triệu đồng/m2 gây ra nhiều phản ứng trái chiều, chưa thể ban hành, gây ra sự ách tắc hồ sơ nhà đất.

Cục Thuế TP.HCM đã ba lần gửi văn bản kiến nghị lên UBND TP.HCM đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Gần nhất hôm 16/9, Cục Thuế TP.HCM đã có kiến nghị khẩn đến UBND TP.HCM về việc tổ chức cuộc họp để giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8/2024.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, từ ngày 1/8 đến 27/8, Cục thuế đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ. Trong đó có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

FPT sẽ xây dựng Trường đại học tại Phú Quốc

FPT sẽ xây dựng Trường đại học tại Phú Quốc

Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Kiên Giang với đại diện lãnh đạo Tập đoàn FPT về việc thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục và công nghệ trên địa bàn tỉnh...

Tìm cơ hội tích lũy nếu thị trường bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm

Tìm cơ hội tích lũy nếu thị trường bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm

Nếu VN-Index phá vỡ hoàn toàn vùng 1.285-1.305 điểm, đà tăng mới có thể hình thành với mục tiêu hướng tới vùng 1.370-1.380 điểm trong năm 2025. Nhà đầu tư nên theo dõi sát phản ứng giá tại vùng 1.280-1.290 điểm và tìm cơ hội tích lũy nếu thị trường bứt phá qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm...