Báo cáo việc làm của Hoa Kỳ khiến chứng khoán phố Wall trượt dốc

Báo cáo về việc làm đầy thông tin tích cực vừa được công bố lại khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm vì những đồn đoán tiêu cực về động thái của Fed sau khi bản báo cáo được công bố...
báo cáo việc làm

Các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ kết thúc ngày ở mức thấp hơn sau khi dữ liệu việc làm đầy ấn tượng làm dấy lên lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. 

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 127,93 điểm, tương đương 0,38%, chỉ số S&P 500 mất 43,28 điểm, tương đương 1,04% và Nasdaq Composite  giảm 193,86 điểm, tương đương 1,59%.

S&P 500 đã công bố 16 mức cao mới trong 52 tuần và một mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 127 mức cao mới và 16 mức thấp mới. 

Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu tại Invesco, cho biết: "Báo cáo việc làm là một bất ngờ đáng kinh ngạc và nó đặt ra nhiều câu hỏi về việc Fed sẽ làm gì tiếp theo. Tôi nghĩ điều gây ra một số biến động khi thị trường đang cố gắng để hiểu Fed sẽ nhìn nhận điều này như thế nào.”

Tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 1, với bảng lương phi nông nghiệp tăng thêm 517.000 việc làm, cao hơn nhiều so với ước tính 185.000. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn 53 năm là 3,4%.

Cũng vào phiên giao dịch 3/2, các nhà đầu tư tiếp tục xem xét một loạt các kết quả kinh doanh đáng chú ý khác.

Cổ phiếu của Apple, công ty lớn nhất Hoa Kỳ tính theo vốn hoá, tăng 2,4%. Công ty dự báo rằng doanh thu sẽ giảm trong quý thứ hai liên tiếp nhưng doanh số bán iPhone có thể sẽ cải thiện do hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường ở Trung Quốc.

Cổ phiếu Amazon giảm 8,4% khi lợi nhuận hoạt động của công ty được dự đoán có thể giảm xuống 0 trong quý hiện tại. Khoản tiết kiệm từ việc thu hẹp nhân sự đã không bù đắp được tác động tài chính khi người tiêu dùng và khách hàng thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, báo cáo lợi nhuận quý 4 và doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng đã khiến cổ phiếu của Alphabet giảm 2,7%.

Tương tự, ở một lĩnh vực khác, cổ phiếu Ford Motor đã giảm 7,6% sau khi nhà sản xuất ô tô này dự kiến về một năm khó khăn phía trước.

Khoảng 12,8 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, so với mức trung bình hàng ngày 11,9 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Vào cùng ngày, chứng khoán châu Âu đã đóng cửa với mức tăng mới, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của cổ phiếu các công ty năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế khu vực cũng đã phần nào làm lu mờ những lo ngại về việc lãi suất của Hoa Kỳ sẽ tăng cao hơn dự kiến.

Chỉ số STOXX 600 đã đảo ngược các khoản lỗ ban đầu và kết thúc ở mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái là 0,3%. Chỉ số ghi nhận mức tăng trong tuần thứ hai liên tiếp.

Chỉ số FTSE 100 của London đã nhanh chóng đạt mức cao kỷ lục mới, đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng đối với thị trường chứng khoán của Vương quốc Anh. Chỉ số đóng cửa tăng 1%.

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tuần vào 3/2 trong một phiên đầy biến động. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự rõ ràng hơn về lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, trong khi đó báo cáo việc làm của Hoa Kỳ khiến họ tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cao hơn nữa.

Dầu thô Brent giảm 2,23 USD (tương đương 2,7%) xuống 79,94 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất trong phiên là 84,20 USD. 

Dầu thô WTI kết thúc giảm 2,49 USD (tương đương 3,3%) ở mức 73,39 USD/thùng, sau khi giao dịch trong khoảng từ 78 USD đến 73,13 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 5/1.

Trong tuần qua, Brent đã ghi nhận mức giảm 7,8% trong khi WTI giảm 7,9%.

Có thể bạn quan tâm