Phố Wall đã đóng cửa thấp hơn vào cuối ngày 30/1. Lĩnh vực công nghệ nặng giảm 1,9% trong khi năng lượng mất 2,3%, mức giảm lớn nhất trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500. Cổ phiếu của Apple Inc, Amazon.com Inc và Alphabet Inc đều sụt giảm.
Chỉ số S&P 500 mất 52,79 điểm, tương đương 1,30%, trong khi đó chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 0,77%, và Nasdaq Composite giảm 1,96%.
Khoảng 10,6 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, so với mức trung bình hàng ngày là 11,2 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services, nhận xét: “Giao dịch đã trở nên thận trọng hơn một chút khi bước vào tuần lễ được dự kiến sẽ là một “điểm uốn” đối với thị trường chung”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng nhẹ đã tạo ra một áp lực khác đối với các cổ phiếu công nghệ vốn đang dần phục hồi trở lại vào đầu năm sau một 2022 đầy khó khăn. Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm của ngày thứ Hai, S&P 500 vẫn đi đúng hướng để đạt mức tăng lớn nhất trong tháng 1 kể từ năm 2019.
Hơn 100 công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ báo cáo kết quả thu nhập trong tuần này. Song song với đó là các cuộc họp của ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ và Châu Âu, và báo cáo dữ liệu việc làm của Hoa Kỳ.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ 1/2. Cuộ họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ được theo dõi một cách kỹ lưỡng về việc liệu chu kỳ tăng lãi suất có thể sắp kết thúc hay không và các dấu hiệu về việc lãi suất cao có thể duy trì trong bao lâu.
Sameer Samana, chiến lược gia cấp cao về thị trường toàn cầu tại Viện Đầu tư Wells Fargo, cho biết: “Đây có lẽ là một trong những cuộc họp quan trọng nhất. Trừ khi Fed có ý định tiếp tục kéo dài chính sách trong một hoặc hai cuộc họp tới, nếu không thì cuộc họp tuần này có thể sẽ đánh dấu sự tạm dừng cho đợt tăng lãi suất như nhiều nhà phân tích đã dự đoán”.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn (0,5 điểm phần trăm) khác vào 2/2.
Sự khởi đầu ảm đạm của Phố Wall được cho là sẽ tạo ra một chặng đường gập ghềnh cho các thị trường châu Á vào 31/1.
Trong một diễn biến khác, đồng USD đã tăng giá so với rổ tiền tệ thế giới, trong khi đó giá dầu thô giảm mạnh do triển vọng tăng lãi suất và hoạt động xuất khẩu của Nga làm giảm bớt sự lạc quan về nhu cầu phục hồi của Trung Quốc.
Để nói thêm, tăng trưởng doanh thu tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm mạnh vào năm 2022 xuống 0,6% so với một năm trước đó, phần lớn là do các chính sách nghiêm ngặt về Covid-19 của Bắc Kinh.