Bất động sản hàng hiệu hút giới nhà giàu

Giá chào bán bất động sản hàng hiệu khá cao nhưng tỷ lệ hấp thụ cũng tương đối lớn, điều này cho thấy giới nhà giàu tại Việt Nam đang hướng đến sản phẩm bất động sản ở phân khúc này.
Bất động sản hàng hiệu hút giới nhà giàu

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, giá chào bán bất động sản (BĐS) hàng hiệu quý I/2021 từ 500.000 - 7 triệu USD/căn biệt thự nhưng ty lệ hấp thụ lên đến 88% đủ để thấy phân khúc này vẫn đang được quan tâm bất chấp đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ hấp thụ cao

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết, BĐS hàng hiệu là loại hình BĐS hợp tác giữa một thương hiệu quản lý nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án cao cấp hạng sang, siêu sang trong nước. 

Thời gian gần đây trên thị trường các thành phố lớn và các thành phố du lịch xuất hiện các sản phẩm BĐS hàng hiệu, gây “bão” với mức giá từ 300-400 triệu đồng/m2. Nhưng sản phẩm này cũng gây tiếng vang lớn đối với người mua bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việt Nam hiện nằm trong số 10 quốc gia nhanh nhất thế giới tăng trưởng trên thị trường.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc, Savills Việt Nam đánh giá, từ năm 2017 đến quý I/2021, nguồn cung tại Việt Nam đã tăng trung bình mỗi năm 11% lên hơn 2.200 căn từ 24 dự án. Các tỉnh và thành phố du lịch lớn như Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và Khánh Hòa là những địa phương có các dự án BĐS hàng hiệu đã đi vào hoạt động. Hầu hết là các căn biệt thự cao cấp trên khu đất rộng tới 2.500m2 bên bờ biển, hoặc có tầm nhìn hướng về biển và có hồ bơi riêng.

Các căn hộ BĐS hàng hiệu hầu hết được cung cấp bởi các chủ đầu tư trong nước như Sun Group với 39% thị phần, tiếp theo là BIM Group với 9% thị phần. Về đơn vị vận hành, Accor dẫn đầu với hơn 1.200 căn từ 9 dự án, tương đương 56% nguồn cung đã hoàn thành, tiếp theo là Wyndham với 245 căn từ hai dự án, tương đương 11% trong khi IHG, Furama và Radisson Blue chiếm 6%.

Giá đất từ 1.000 USD/m2 đến hơn 7.700 USD/m2, cao nhất ở dự án InterContinental Hạ Long tại Quảng Ninh. Giá chào bán là 500.000 USD đến 7.000.000 USD/căn, cao nhất ở dự án Regent Villas & Resort, Phú Quốc ở Kiên Giang. Kiên Giang chiếm 54% thị phần và tỷ lệ hấp thụ cao nhất là 86%.

Phú Quốc là một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất cả nước với lượng khách tăng trưởng 54% mỗi năm từ 2015 đến 2019. Đà Nẵng với 16% có thị phần bán hàng cao thứ hai với tỷ lệ hấp thụ 79% trong quý I.

“Tính chung cả thị trường tỷ lệ hấp thụ đạt 88%. Nguyên nhân là do nguồn cung hạn chế”, ông Troy nói.

Tiềm năng vẫn lớn

Đánh giá nguồn cầu phân khúc này, ông Troy nhìn nhận, khách hàng mục tiêu của phân khúc này bao gồm giới siêu giàu trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc.

Từ 2015 - 2020, số người siêu giàu của Việt Nam đạt khoảng 19.500 người, tăng 6%/năm. Đến năm 2025, dân số siêu giàu sẽ đạt trên 25.800 người, đây có thể là một trong những nguồn cầu của phân khúc này trong tương lai.

 “Các thương hiệu xa xỉ đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với những người giàu mới nổi. Người mua căn hộ có thương hiệu được đảm bảo về một sản phẩm chất lượng, nguồn cung hạn chế với giá trị thương hiệu cao cấp”, ông Troy nói.

Đánh giá của một số chuyên gia BĐS cho thấy, trong khu vực, giá cả của Việt Nam khá cạnh tranh, đi cùng với đó là triển vọng tăng trưởng vốn, lợi suất hấp dẫn, đang ngày thu hút sự quan tâm của nước ngoài. Khoảng 65% người mua là nhà đầu tư dài hạn; 30% là khách thuê, trong khi các nhà đầu cơ chiếm khoảng 5%.

Một điểm tăng trưởng cho nguồn cung BĐS hạng sang thêm là chính sách pháp lý và đầu tư BĐS tại Việt Nam dần được nới lỏng đối với người mua nước ngoài và đối với các nhà phát triển. Đặc biệt, không có thêm thuế cho các BĐS hạng sang. Công dân nước ngoài được phép sở hữu tài sản như đã ghi trong hợp đồng thương mại nhưng chỉ giới hạn trong thời hạn thuê nhà là 50 năm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng có lời khuyên cho khách hàng về cam kết lợi nhuận của BĐS hàng hiệu. Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường chứng kiến một số dự án BĐS hàng hiệu có cam kết lợi nhuận đảm bảo lên đến 18%/năm trong thời hạn 3 năm và từ 9% - 10%/năm trong thời hạn 10 năm. Thực tế, lợi nhuận cam kết đang dần bị thị trường loại bỏ vì chúng đòi hỏi nhiều gánh nặng về chi phí quản lý vận hành.

“Các dự án gần đây như Wyndham Skylake, Fusion Resort & Villas Đà Nẵng, Meliá Hồ Tràm giai đoạn 2 - The Hamptons, hay Sun Premier Village The Eden Bay không thuộc nhóm dự án có cam kết lợi nhuận”, ông Châu nói.

Nhận định về thị trường BĐS hàng hiệu tại Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là một điểm nóng của BĐS hàng hiệu, với số lượng dự án ngày càng tăng. Chi phí đầu vào thấp hơn trong khu vực gây ra rủi ro phát triển ít hơn nhưng có tiềm năng hấp dẫn để tiếp cận nhu cầu mới.

Tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang phát triển hiện nay chính là trợ lực thúc đẩy tiềm năng lớn hơn nữa cho các BĐS hàng hiệu. BĐS hàng hiệu ở các thành phố lớn cũng sẽ được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn với nhiều cơ hội và tiềm năng, mang đến những công trình chất lượng vượt trội, dịch vụ sang đến từ những thương hiệu và dịch vụ 5 sao.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…