Bất động sản Tây Nam Bộ nhìn từ các dự án hạ tầng giao thông

Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ được dự báo sẽ phát triển tốt trong thời gian tới, khi đón nhận những tính hiệu tích cực từ những dự án giao thông trọng điểm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
tay-nam-bo.jpeg
Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ có sức hút từ loạt dự án trọng điểm

Nhiều dự án trọng điểm sẽ được thực hiện tại vùng Tây Nam Bộ trong giai đoạn sắp tới, sẽ tạo tiền đề kết nối giao thông và có động lực giúp kinh tế vùng phát triển. Điều này, cũng tác động ít nhiều đến thị trường bất động sản khu vực.

SỚM TRỞ THÀNH KHU VỰC THU HÚT ĐẦU TƯ

Chia sẻ tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu, thị trường bất động sản, nhà ở Việt Nam quý 3 và 9 tháng năm 2023, bà Phùng Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Tây cho biết, thời gian qua miền Tây có khoảng 2.600 sản phẩm được cung ứng ra thị trường.

Đối với thị trường bất động sản miền Tây, cụ thể là thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, thị trường khá khan hiếm nguồn cung mới. Nguồn cung sơ cấp quý 3/2023 chỉ khoảng hơn 2.600 sản phẩm được cung ứng ra thị trường.

Riêng tại thành phố Cần Thơ, nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 450 sản phẩm, tăng 100% theo năm. Giá bán sơ cấp bình quân căn hộ từ 39 – 44 triệu/m2, tăng 15 – 25% theo năm đến từ phân khúc căn hộ cao cấp.

Tỉ lệ hấp thụ căn hộ ở Cần Thơ ở mức cao, đạt khoảng 70%, dự án Cara River Park, vào ngày 30/09, tỷ lệ hấp thụ đợt khảo sát đầu tiên đạt đến 90% do đây là căn hộ cao cấp đầu tiên tại Cần Thơ với đầy đủ pháp lý, tiện ích, bàn giao cao cấp và vị trí trung tâm.

Ảnh màn hình 2023-10-05 lúc 03.34.30.png

Ngoài ra, đối với các khu vực khác tại miền Tây, thị trường tiếp tục có sự hạn chế về nguồn cung dự án mới, đa số giao dịch giỏ hàng cũ, tập trung vào loại hình đất nền, nhà phố. Giá bán căn hộ bình quân ghi nhận từ 30 – 40 triệu/m2, tăng 3 – 6% theo quý. Giá bán nhà phố từ 22 – 47 triệu/m2, ổn định theo quý. Giá bán bình quân shophouse từ 25 – 43 triệu/m2, ổn định theo quý. Giá bán bình quân đất nền từ 12 – 35 triệu/m2, ổn định theo quý.

Trước đó không lâu, tại tọa đàm "Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2023: Quản trị dòng tiền – Đầu tư hiệu quả", GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, cần có các đô thị nông nghiệp, bất động sản gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Cần tạo cấu trúc đô thị nông nghiệp gắn với du lịch theo triết lý xanh và thông minh.

“Những đặc trưng nông nghiệp là điểm thu hút cư dân các nơi, kể cả nước ngoài tới sinh sống và lập nghiệp, từ đó có lợi thế về chất lượng cư dân, lao động. Cần quan tâm tới quy hoạch vùng đã được phê duyệt", ông Võ phân tích.

Còn ông Lê Tiến Vũ, Thạc sĩ Kinh tế công, Chuyên gia Bất động sản cho biết, gần đây, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã được triển khai tại Tây Nam Bộ. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, Tây Nam Bộ đã khởi công 2 tuyến cao tốc trục ngang: An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng và tuyến Cao Lãnh - An Hữu, với tổng chiều dài hơn 215km, tổng vốn đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng.

Ông Vũ cho rằng, những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư trên cả nước. Đáng lưu ý, tỉnh Hậu Giang đang là điểm sáng của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ với hàng loạt dự án bất động sản mới.

Cũng tại tọa đàm, ông Đinh Minh Tuấn, giám đốc khu vực miền Nam của Propertyguru Việt Nam phân tích, giá bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ổn định trong thời gian dài hạn.

“Đối với thị trường bất động sản Tây Nam Bộ, thị trường nhà phố tại Hậu Giang và An Giang có mức độ tăng trưởng ổn định kể cả trong giai đoạn khó khăn; thị trường đất nền mức độ quan tâm và giá bán bắt đầu phục hồi”, ông Tuấn chỉ ra.

NHỮNG DỰ ÁN NỔI BẬT

Dự án tiêu biểu thứ nhất vừa triển khai trở lại tại khu vực Tây Nam Bộ là cao tốc Bến Lức – Long Thành. Dự án dài 57,8km được khởi công 9 năm trước với vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng. Cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An.

Một đầu nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đầu còn lại nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ Long An sang Đồng Nai sẽ giảm xuống còn 2 giờ, đồng thời sẽ giảm ùn tắc cho TP.HCM và các tuyến đường lân cận.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành chia làm 3 phân đoạn: phân đoạn phía tây; phân đoạn giữa dài; phân đoạn phía đông. Tuy nhiên, do thiếu vốn và vướng thủ tục nên dự án đã dừng một thời gian. Sau khi được Chính phủ khai thông vốn và thủ tục pháp lý, gói thầu A7 qua Đồng Nai khởi động trở lại, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành.

Thứ hai, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chiều dài hơn 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 12.668 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tổng chiều dài 51km gồm 4 làn xe. Dự án này đã khánh thành và đi vào sử dụng vào tháng 4/2022, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Mỹ Thuận từ 3 tiếng xuống còn 1 tiếng 45 phút.

bat-dong-san-tay-nam-bo.jpg
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được đi vào hoạt động tại Tây Nam Bộ

Thứ ba, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 22,97km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long (12,5km) và tỉnh Đồng Tháp (10,44km), có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng vốn đầu tư công, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Dự án đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ thông xe cuối năm 2023.

Thứ tư, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 110km, đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Quy mô giai đoạn 1 của dự án là 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang (37km) và Hậu Giang - Cà Mau (73km).

Thứ năm, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, dài hơn 188km, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57km, Cần Thơ gần 38km, Hậu Giang khoảng 37km và hơn 56km đi qua tỉnh Sóc Trăng.

Thứ sáu, dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh với tổng chiều dài đoạn tuyến là 26,164km, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến 2022 - 2026. Khi dự án hoàn thành sẽ để kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và phía Tây tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Thứ bảy, dự án cao tốc Hà Tiên – Bạc Liêu với chiều dài 225km đi qua các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 33.255 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026 cũng đã được Bộ Giao thông vận tải trình Quốc hội phê duyệt.

ban-do-mien-tay.jpg
Các tỉnh tại khu vực Tây Nam Bộ

Thứ tám, dự án mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ lên thành thành phố sân bay quy mô hơn 10.000 ha nhằm thu hút lượt khách quốc tế và góp phần phát triển kinh tế xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Nâng công suất phục vụ dự kiến lên 3 triệu lượt khách/năm.

Thứ chín, dự án cảng biển nước sâu Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km, khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha, cũng đã được thông qua. Dự án sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 - 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm.

Có thể bạn quan tâm